Luận văn: Kết quả nghiên cứu khả năng xảy ra kiệt quệ tài chính

Đánh giá post

Các nhân tố tác động đến khả năng xảy ra kiệt quệ tài chính của các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam

4.1. Thống kê mô tả các biến định lượng trong mô hình

Để có thể đánh giá sơ bộ về các biến độc lập dựa vào mô hình nghiên cứu. Bảng 4.1 sẽ trình bày tóm tắt các thống kê về giá trị trung bình (Mean), trung vị (Std.Dev.), giá trị lớn nhất (Max), giá trị nhỏ nhất (Min) như sau:

Bảng 4. 1 Thống kê mô tả các biến định lượng trong mô hình

Variable Obs Mean Std. Dev. Min Max
DIS 3738 0.1594 0.3661 0 1
DIS1 3738 0.2421 0.4284 0 1
OCF 3738 0.05374 0.1373706 -1.1 1.01
LEV 3738 0.4794757 0.2234368 0 1.29
SIZE 3738 11.86483 0.6913258 10.13 14.61
VLĐRTSNH 3738 0.3082129 0.5434271 -18.99 1
RETA 3738 0.0287346 0.2102349 -5.31 2.09
NITA 3738 0.0581755 0.0828709 -1.59 0.78
OCFTL 3738 0.2532638 1.562607 -37.24 46.94

Nguồn: Tác giả Có tất cả 3738 quan sát nghiên cứu trong thời gian từ năm 2014 đến 2019 của 8 biến trong mô hình nghiên cứu cho 623 công ty hiện đang niêm yết trên sàn HOSE và HNX:

Mô hình 1: Biến phụ thuộc (DIS) – Biến độc lập (OCF, LEV, SIZE, VLĐRTSNH, RETA, NITA, OCFTL).

Mô hình 2: Biến phụ thuộc (DIS1) – Biến độc lập (OCF, LEV, SIZE, VLĐRTSNH, RETA, NITA, OCFTL).

  • Trong đó: 

Biến DIS và DIS1 – Doanh nghiệp bị kiệt quệ tài chính.

OCF – Dòng tiền hoạt động của công ty: Có giá trị lớn nhất là 1.01 của doanh nghiệp có mã niêm yết là KKC năm 2017, giá trị nhỏ nhất là -1.1 của doanh nghiệp có mã niêm yết là TCD năm 2018, giá trị trung bình của các doanh nghiệp là 0.05374 tức có tỷ lệ trung bình giữa dòng tiền OCF và Doanh thu thuần là 5.35% và trung vị là 0.137.

LEV – Đòn bẩy tài chính: Có giá trị lớn nhất là 1.29 của doanh nghiệp có mã niêm yết là TTF năm 2020, giá trị nhỏ nhất là 0 của doanh nghiệp có mã niêm yết là CNV năm 2019, giá trị trung bình của các doanh nghiệp là 0.479 tức là trung bình đòn cân nợ của các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán là 47.9% ( tỷ lệ nợ chiến 47.9% so với tổng tài sản) và trung vị là 0.223.

SIZE – Quy mô công ty: Có giá trị lớn nhất là 14.61 của doanh nghiệp có mã niêm yết là VIC năm 2019, giá trị nhỏ nhất là 10.13 của doanh nghiệp có mã niêm yết là DST năm 2016, giá trị trung bình của các doanh nghiệp là 11.864 và trung vị là 0.691.

VLĐRTSNH – Vốn lưu động ròng trên tài sản ngắn hạn: Có giá trị lớn nhất là 1 của doanh nghiệp có mã niêm yết là CNV năm 2018, giá trị nhỏ nhất là -18.99 của doanh nghiệp có mã niêm yết là ROS năm 2016, giá trị trung bình của các doanh nghiệp là 0.308 tức là trung bình có 30.8% tài sản ngắn hạn được tài trợ bởi nguồn vốn dài hạn của các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam và trung vị là 0.543.

RETA – Lợi nhuận giữ lại trên tổng tài sản: Có giá trị lớn nhất là 2.09 của doanh nghiệp có mã niêm yết là LGC năm 2016, giá trị nhỏ nhất là -5.31 của doanh nghiệp có mã niêm yết là PPS năm 2019, giá trị trung bình của các doanh nghiệp là 0.028 và trung vị là 0.21.

NITA – Lợi nhuận trước thuế và lãi vay chia cho tổng tài sản: Có giá trị lớn nhất là 0.78 của doanh nghiệp có mã niêm yết là KDC năm 2017, giá trị nhỏ nhất là -1.59 của doanh nghiệp có mã niêm yết là JVC năm 2017, giá trị trung bình của các doanh nghiệp là 0.058 và trung vị là 0.0828.

OCFTL – Dòng tiền hoạt động kinh doanh chính trên tổng nợ: Có giá trị lớn nhất là 46,94 của doanh nghiệp có mã niêm yết là KTT năm 2018, giá trị nhỏ nhất là -37.24 của doanh nghiệp có mã niêm yết là CVN năm 2018, giá trị trung bình của các doanh nghiệp là 0.25 và trung vị là 1.562.

4.2. Phân tích ma trận tương quan

Hệ số tương quan (r) là chỉ số thống kê phản ánh mức độ quan hệ tuyến tính giữa các biến. Hệ số này biến thiên từ +1 đến -1. Thông qua hệ số tương quan có thể biết chiều tương quan riêng giữa biến phụ thuộc với biến giải thích. Đồng thời cho thấy xuất hiện hiện tượng đa cộng tuyến trong mô hình hồi quy. Trong trường hợp có sự khác biệt về xu hướng tác động của các biến độc lập và biến phụ thuộc giữa kết quả theo hệ số tương quan và kết quả theo mô hình hồi quy. Khi đó, mô hình hồi quy có thể chưa đáp ứng đủ các giả thuyết của mô hình nghiên cứu, điều này làm dấu của hệ số ước lượng có thể khác biệt so với xu hướng tác động dựa trên số liệu thực tế. Theo Hoàng Trọng và Chu Nguyễn Mộng Ngọc (2008), mối quan hệ tuyến tính giữa các biến có thể được ước lượng thông qua giá trị hệ số tương quan như sau: r > 0: Hai biến số có mối quan hệ cùng chiều; ii. r < 0: Hai biến số có mối quan hệ ngược chiều;  iii. r = 0: Hai biến số không có mối quan hệ tuyến tính.  iv. |r| = 1: Tương quan tuyến tính tuyệt đối.

Hoặc theo Hoàng Ngọc Nhậm (2008), khi tương quan cặp giữa các biến giải thích cao (lớn hơn 0.5) thì có thể xảy ra đa cộng tuyến. Nhìn vào ma trận tương quan giữa các biến trình bày trong bảng 4.2 cho thấy những mối quan hệ giữa các biến phụ thuộc và biến độc lập trong mô hình.

Bảng 4. 2. Phân tích ma trận tương quan giữa các biến trong mô hình

  DIS OCF LEV SIZE VLĐRTS NH RETA NITA OCFTL
DIS 1.000              
OCF -0.0081 1.000            
LEV 0.3142 -0.1752 1.000          
SIZE -0.0497 -0.028 0.3206 1.000        
VLĐRTSNH -0.4995 -0.0213 -0.45 -0.1409 1.000      
RETA -0.0353 -0.1171 0.1363 0.0713 -0.0626 1.000    
NITA -0.2616 0.3283 -0.339 -0.0154 0.2116 0.04 1.000  
OCFTL -0.043 0.4357 -0.194 -0.0556 0.0772 -0.05 0.225 1.000

Nguồn: Tác giả

Về mối quan hệ giữa biến phụ thuộc và biến độc lập trong mô hình. Kết quả tại bảng 4.2 cho thấy, các biến độc lập và biến kiểm soát đều có mối quan hệ tuyến tính với biến phụ thuộc (r < 0.5). Trong đó, OCF – Dòng tiền hoạt động của công ty, SIZE – Quy mô công ty, VLĐRTSNH – Vốn lưu động ròng trên tài sản ngắn hạn, RETA – Lợi nhuận giữ lại trên tổng tài sản, NITA – Lợi nhuận trước thuế và lãi vay chia cho tổng tài sản, OCFTL – Dòng tiền hoạt động kinh doanh chính trên tổng nợ có mối quan hệ ngược chiều đến biến phụ thuộc. Còn LEV – Đòn bẩy tài chính có mối quan hệ tuyến tính dương với biến phụ thuộc. Về mức độ tương quan giữa từng biến độc lập đến biến phụ thuộc trong mô hình cho thấy là không cao.

Về mối quan hệ giữa các biến độc lập trong mô hình. Theo bảng 4.2 các biến độc lập với nhau có mối quan hệ tuyến tính không mạnh (r < 0.5). Đồng thời ta cũng có thể kết luận mô hình không có hiện hiện tượng đa cộng tuyến.

4.3. Phân tích mô hình hồi quy

Như phần trên đã có nêu, do biến phụ thuộc là biến nhị phân nhận giá trị là 0 và 1 nên mô hình hồi quy được chọn trong mô hình nghiên cứu là mô hình Logitis.

Với dữ liệu hồi quy là dạng bảng thì có 2 mô hình thông dụng để chạy hồi quy là mô hình các yếu tố ảnh hưởng cố định (Fixed Effect model – FE) và mô hình các yếu tố tác động ngẫu nhiên (Random Effect model – RE.

Bảng 4. 3. Kiểm định Hausman với mô hình số 1

  Chi 2 = 34.41 Prob> chi2 = 0.000  
  Fixed Random
OCF 1.726228 1.401529
LEV 1.487452 5.72071
SIZE -1.88826 -0.8838722
VLĐRTSNH -1.47741 -9.542008
RETA -0.8677354 -0.8239892
NITA -16.53685 -12.3486
OCFTL -0.3959011 -0.264213

Nguồn: Tác giả

Bảng 4. 4. Kiểm định Hausman với mô hình số 2

  Chi 2 = 61.18 Prob> chi2 = 0.000  
  Fixed Random
OCF -0.02073 -0.10452
LEV 1.265488 1.321854
SIZE -1.08704 0.069
VLĐRTSNH -1.65024 -0.62659
RETA 0.104224 -0.17792
NITA -12.5474 -15.3474
OCFTL -0.26065 0.11457

Nguồn: Tác giả

Giả thuyết kiểm định được đưa ra như sau:

  • H0: Mô hình REM là mô hình phù hợp
  • H1: Mô hình FEM là mô hình phù hợp

Theo như kế quả phân tích có được, do chỉ số Pro (chi2) = 0.000 nhỏ hơn 0.05 (Bác bỏ H0 chấp nhận H1) cho cả 2 mô hình, vậy mô hình tác động cố định (FEM) là phù hợp.

Kết quả hồi quy theo FEM được thể hiện trong bảng 4.5 và bảng 4.6:

Bảng 4. 5. Kiểm định FEM với mô hình số 1

  Log likelihood = -195.03628

LR chi2(4) = 514.78

Prob > chi2 = 0.0000                             

   
DIS Coef. Std. Err. z P>z [95% Conf. Interval] DIS
OCF 1.726228 0.880447 1.96 0.09 0.000585 3.451872
LEV 1.487452 1.586216 5.63 0.000 .821871 12.03972
SIZE -1.88826 0.756787 -3.19 0.001 -2.89535 -0.9288
VLĐRTSNH -1.47741 0.811746 -10.69 0.000 -2.2683 -7.08636
RETA -0.868 0.464375 -1.87 0.062 -1.77789 0.042422
NITA -16.536 2.736909 -6.04 0.096 -21.9011 -11.1726
OCFTL -0.396 0.143057 -2.77 0.087 -0.67629 -0.11551

Nguồn: Tác giả

Bảng 4. 6. Kiểm định FEM với mô hình số 2

  Log likelihood = -208.29525

LR chi2(4) = 342.27

Prob > chi2 = 0.0000                                   

   
DIS Coef. Std. Err. z P>z [95% Conf. Interval] DIS
OCF -0.02073 0.878866 -0.02 0.981 -1.74327 1.701819
LEV 1.265488 1.448537 4.33 0.000 3.426408 9.104568
SIZE -1.08704 0.716817 -2.91 0.004 -3.49197 -0.6821
VLĐRTSNH -1.65024 0.738401 -9.01 0.000 -3.09748 -5.203
RETA 0.104224 0.427961 0.24 0.808 -0.73457 0.943013
NITA -12.5474 2.259369 -5.55 0.06 -16.9757 -8.1191
OCFTL -0.26065 0.260962 -1 0.318 -0.77212 0.250831

Nguồn: Tác giả

Kết quả mô hình 1 cho thấy Log likelihood = -195.03628 là khá thấp, giá trị p-value của mô hình 1 là 0,0000 < 0.05 cho thấy mô hình có ý nghĩa. Đối với mô hình 2 thấy Log likelihood = -208.29525 là khá thấp, giá trị p-value của mô hình 2 là 0.0000 < 0.05 cho thấy mô hình có ý nghĩa. Như vậy, cả hai mô hình hồi quy nhị phân đưa ra là phù hợp với dữ liệu mà tác giả nghiên cứu.

Dựa vào kết quả trên của hai mô hình, đều cho cùng một kết quả, ta thấy các biến LEV, SIZE, VLĐTTSNH có ý nghĩa thống kê ở mức 5% và biến OCF, RETA, NITA, OCFTL không có ý nghĩa thống kê khi chạy hồi quy dữ liệu.

Tuy nhiên, ta cần phải kiểm định xem việc loại bỏ biến OCF, RETA, NITA, OCFTL có làm ảnh hưởng đến khả năng dự báo của mô hình hay không. Hoàng Trọng (2008) cho rằng đối với hồi quy tuyến tính thì sử dụng kiểm định t để kiểm định giả thuyết H0: βk=0.

Còn đối với mô hình hồi quy Binary Logistic, thì đại lượng Wald Chi Spare được sử dụng để kiểm định ý nghĩa thống kê của hệ số hồi quy tổng thể. Vì vậy ta sử dụng kiểm định Wald để kiểm định hệ số hồi quy của biển OCF, RETA, NITA, OCFTL có khác 0 hay không.

Giả thuyết kiểm định được đưa ra như sau:

  • H0: β1 =β2=β3 =β4 =β5 =β6 =β7 =0
  • H1: Có ít nhất một trong những giá trị β không bằng không

Bảng 4. 7. Kết quả kiểm định Wald cho mô hình số 1

Nội dung Kết quả kiểm định Wald
Tất cả các biến độc lập của mô hình Chi2 = 231.14 và Prob > chi2 =0.000
Biến OCF, RETA, NITA, OCFTL Chi2 = 51.10 và Prob > chi2 = 0.0904

Nguồn: Tác giả

Bảng 4. 7. Kết quả kiểm định Wald cho mô hình số 2

Nội dung Kết quả kiểm định Wald
Tất cả các biến độc lập của mô hình Chi2 = 121.19 và Prob > chi2 =0.000
Biến OCF, RETA, NITA, OCFTL Chi2 = 32.00 và Prob > chi2 = 0.09

Nguồn: Tác giả

Kiểm định Wald cho tổng thể mô hình, ta có Prob (chi2) = 0.0000 < 0.05 giả thuyết

H0 bị bác bỏ, chấp nhận H1. Tức nghĩa, mô hình có ý nghĩa và có những biến trong mô hình có tác động đến biến phụ thuộc DIS hoặc DIS1.

Giả thuyết kiểm định được đưa ra như sau:

  • H0: β1 =β5 =β6 =β7 =0
  • H1: có ít nhất một β khác không

Kiểm định Wald – mô hình 1 cho biến độc lập OCF, RETA, NITA, OCFTL ta có Prob (chi2) = 0.0904 > 0.05 không đủ cơ sở để bác bỏ H0 với mức ý nghĩa 95%. Như vậy qua kiểm định Wald ta hoàn toàn có cơ sở để loại bỏ biến OCF, RETA, NITA, OCFTL ra khỏi mô hình mà không ảnh hưởng đến kết quả dự báo. Từ kết quả thu được từ bảng 4.5 mô hình được viết như sau:

Z=ln[P/(1-P)] = 1.487 LEV – 1.888 SIZE – 1.477 VLĐRTSNH+ uit

Kiểm định Wald – mô hình 2 cho biến độc lập OCF, RETA, NITA, OCFTL ta có Prob (chi2) = 0.09 > 0.05 không đủ cơ sở để bác bỏ H0 với mức ý nghĩa 95%. Như vậy qua kiểm định Wald ta hoàn toàn có cơ sở để loại bỏ biến OCF, RETA, NITA, OCFTL ra khỏi mô hình mà không ảnh hưởng đến kết quả dự báo. Từ kết quả thu được từ bảng 4.6 mô hình được viết như sau:

Z=ln[P/(1-P)] = 1.265 LEV – 1.087 SIZE – 1.650 VLĐRTSNH+ uit  Kiểm định khả năng dự báo của mô hình:

Ngoài chỉ số prob (Chi2), để có thể đánh giá mức độ phù hợp (khả năng dự báo) của mô hình ta sẽ căn cứ vào bảng thống kê kết quả dự báo chính xác của mô hình. Qua đó cung cấp cho ta số liệu để đánh giá sự sai lệch giữa giá trị tính toán của mô hình và giá trị thức tế của số liệu:

Bảng 4.9. Kết quả khả năng dự báo của mô hình số 1

    TR UE  
Classified D   ~D Total
+ 359   29 388
237   3113 3350
Total 596 3142 3738

Nguồn: Tác giả

Từ bảng kết quả trên của mô hình 1, có 596 trường hợp thực tế rơi vào kiệt quệ tài chính và 3142 trường hợp không rơi vào kiệt quệ tài chính. Tuy nhiên theo dự đoán của mô hình có 388 trường hợp rơi vào kiệt quệ tài chính và 3350 trường hợp không rơi vào kiệt quệ tài chính. Như vậy trong 596 trường hợp rơi vào kiệt quệ tài chính, có 359 trường hợp dự đoán đúng như vậy tỷ lệ là 60.23%. Trong 3.142 trường hợp không rơi vào kiệt quệ tài chính, dự đoán đúng được 3113 trường hợp, có tỷ lệ là 99.08%. Vậy trung bình tỷ lệ dự đoán đúng là 92.88%.

Bảng 4.10. Kết quả khả năng dự báo của mô hình số 1

    TR UE  
Classified D   ~D Total
+ 499   148 647
406   2685 3091
Total 905   2833 3738

Nguồn: Tác giả

Từ bảng kết quả trên của mô hình 2, có 905 trường hợp thực tế rơi vào kiệt quệ tài chính và 2.833 trường hợp không rơi vào kiệt quệ tài chính. Tuy nhiên theo dự đoán của mô hình có 647 trường hợp rơi vào kiệt quệ tài chính và 3.091 trường hợp không rơi vào kiệt quệ tài chính. Như vậy trong 905 trường hợp rơi vào kiệt quệ tài chính, có 499 trường hợp dự đoán đúng như vậy tỷ lệ là 55.14%. Trong 2.833 trường hợp không rơi vào kiệt quệ tài chính, dự đoán đúng được 2685 trường hợp, có tỷ lệ là 94.78%. Vậy trung bình tỷ lệ dự đoán đúng là 85.18%.

4.4. Giải thích các biến độc lập:

Với kết quả hồi qui trong mô hình 1, ta có:

Z = Ln (= 1.487 LEV – 1.888 SIZE – 1.477 VLĐRTSNH + uit

Với kết quả hồi qui trong mô hình 2, ta có:

Z = Ln = 1.265 LEV – 1.087 SIZE – 1.650 VLĐRTSNH + uit

Biến LEV

Giả thuyết H2: Doanh nghiệp có đòn bẩy tài chính càng cao thì càng dễ rơi vào tình trạng kiệt quệ tài chính

Theo định đề I của MM, trong thị trường hoàn hảo, cấu trúc vốn không liên quan đến giá trị doanh nghiệp khi các quyết định đầu tư của doanh nghiệp đã có sẵn. Tuy nhiên, trong thực tế, các doanh nghiệp lại quan tâm đến cấu trúc vốn vì việc sử dụng nhiều nợ có thể là một cấu trúc vốn hướng đến mục tiêu tối đa hóa giá trị doanh nghiệp do lợi ích tấm chắn thuế từ nợ. Đồng thời, điều này cũng gắn liền với rủi ro của doanh nghiệp nhất là khi doanh nghiệp không sử dụng nợ phù hợp với đặc điểm của mình, vấn đề lựa chọn thời gian và khoản nợ không phù hợp là tiền đề dẫn đến khả năng kiệt quệ tài chính cao cho doanh nghiệp trong tương lai. Nhiều nghiên cứu cho rằng có sự đánh đổi giữa chi phí và lợi ích của việc sử dụng nợ từ tấm chắn thuế. Khi xét trên một doanh nghiệp có tỷ lệ nợ cao đôi khi quá thận trọng khi thực hiện quyết định đầu tư, dễ dàng bỏ qua những cơ hội đầu tư tốt, không tối đa giá trị doanh nghiệp.

LEV là biến phản ánh sự tác động của đòn bẩy tài chính lên khả năng công ty rơi vào kiệt quệ tài chính. Cũng như những nghiên cứu trước mà tác giả đã tham khảo, thì đòn bẩy tài chính xuất hiện hầu hết trong các nghiên cứu của: John R.Graham, Solani Hazarika và Narasimhan (2011); Ohlson (1980); Wilson (2013); Võ Thị Thu Nguyệt (2007); Phạm Thị Hồng Vân (2005); Trần Thị Bích Ngọc (2013); Lương Trọng Đức (2012) và đã cho cùng kết quả với những nghiên cứu này.

Với kết quả thu được, hệ số hồi quy có ý nghĩa thống kê và có dấu đúng với kì vọng ban đầu của tác giả. LEV có nghĩa tức là đòn bẩy tài chính càng lớn thì nguy cơ của công ty xảy ra kiệt quệ tài chính càng cao. Bên cạnh đó chỉ số này còn thể hiện tỷ trọng tài sản được tài trợ bởi nợ, nên cũng có thể đánh giá khả năng tự chủ tài chính của công ty. Nếu chỉ số này quá thấp, có nghĩa là công ty chưa khai thác hết lợi ích từ việc vay nợ (đòn bẩy tài chính). Ngược lại, nếu tỷ số này quá cao thì có thể nhận diện công ty ấy không có năng lực tự chủ tài chính mạnh, nguồn vốn được cấu thành chủ yếu là do vay mượn (Tuy nhiên cũng không phủ nhận lợi ích do đòn bẩy tài chính mang lại). Vì vậy rủi ro rơi vào tình trạng kiệt quệ tài chính của doanh nghiệp sẽ tăng cao (Nếu như không vận dụng linh hoạt và hợp lý trong việc vay nợ).

  • Biến SIZE

Giả thuyết H3: Các doanh nghiệp có quy mô càng lớn thì càng ít có khả năng rơi vào kiệt quệ tài chính.

Nhìn chung những nhận định sẽ xoay quanh những công ty lớn có thể dễ dàng hơn trong việc tiếp cận và nhận nguồn hỗ trợ tài chính từ bên ngoài như ngân hàng, thị trường chứng khoán vì họ có nhiều tài sản hơn để thế chấp. Đồng thời một bộ máy vững mạnh thì sẽ có khả năng kiểm soát cao những thông tin minh bạch trong và ngoài doanh nghiệp, một bộ phận kiểm định chuyên môn cao được thiết lập nhằm hạn chế khả năng thao túng cũng như trục lợi từ giữa ba bên: nhà quản lý, cổ đông, chủ nợ.

Đây là biến phản ánh sự tác động quy mô công ty đến khả năng công ty đó rơi vào kiệt quệ tài chính. Kết quả từ mô hình ở trên giống với những nghiên cứu của Ohlson (1980); Phạm Thị Hồng Vân (2005); Võ Thị Thu Nguyệt (2007); Lương Trọng Đức (2012).

Với kết quả thu được, hệ số hồi quy có ý nghĩa thống kê và có dấu đúng với kì vọng ban đầu của tác giả. SIZE có nghĩa tức là công ty có quy mô càng lớn thì càng ít có khả năng dẫn đến tình trạng kiệt quệ tài chính.

  • Biến VLĐRTSNH

Giả thuyết H4: Các doanh nghiệp có tỷ lệ vốn lưu động ròng trên tài sản ngắn hạn càng cao thì càng ít rơi vào kiệt quệ tài chính.

Như đã phân tích ở chương 2, tỷ lệ vốn lưu động ròng trên tài sản ngắn hạn là một con số biểu thị cho tỷ lệ tài trợ tài sản ngắn hạn bởi nguồn vốn dài hạn. Trên cơ sở xem xét các nhân tố tác động đến kiệt quệ tài chính, tác giả sẽ xem xét và đánh giá dựa trên những nghiên cứu trước ở khía cạnh tỷ lệ này càng cao thể hiện một sự ổn định trong cơ cấu tài chính.

Đây là biến phản ánh sự tác động của việc sử dụng vốn cũng như là thiết lập cơ cấu vốn cho doanh nghiệp đến khả năng kiệt quệ tài chính. Cũng như những nghiên cứu trước mà tác giả đã tham khảo: của Edward I. Altman (1968,2000); Phạm Thị Hồng Vân (2005) đề xuất.

Với kết quả thu được, hệ số hồi quy có ý nghĩa thống kê và có dấu đúng với kì vọng ban đầu của tác giả. Tỷ lệ trên có nghĩa tức là tỷ lệ vốn lưu động ròng trên tài sản ngắn hạn càng cao thì càng ít rơi vào kiệt quệ tài chính.

  • Đo lường các biến:

Dựa trên kết quả trên, tác giả nhận thấy có sự tương đồng giữ mô hình 1 và 2 về kết quả cho ra cuối cùng. Cho nên ở phần đo lường thứ tự mức độ ảnh hưởng giữa các biến thì tác giả chỉ dựa trên kết quả của mô hình 1.

Phương trình hồi quy Binary Logistics = α + β1α1+ β2α2+ β3α3 +…+ βnαn + uit  Ta gọi:

  • P0: là xác suất xảy ra kiệt tài chính ban đầu;
  • P1: là xác suất xảy ra kiệt quệ tài chính lúc sau.
  • Xét trên một yếu tố αx nào đó, ta có công thức: P(1)

Khi yếu tố Xk tăng lên một đơn vị thì xác suất xảy ra kiệt quệ tài chính lúc sau sẽ dịch chuyển từ P0 sang P1.

Nếu chỉ giải thích đơn thuần ý nghĩa của hệ số α tác động lên mô hình gốc thì sẽ không thấy rõ mức độ ảnh hưởng của các biến đên kiệt quệ tài chính (vì chỉ giải thích dưới dạng ln).

Tác giả đưa ra giả định cho dễ so sánh mức độ tác động giữa các biến phụ thuộc đến xác suất xảy ra kiệt quệ tài chính là P0=10% 1.487LEV – 1.888 SIZE – 1.477 VLĐRTSNH + uit

  • Biến LEV: Có α2 = 1.487, P0=10%, và eα2= 4.4238
  • Thay vào công thức số (1) ta tính được: P1= 32.95%.

Nếu xác suất xảy ra kiệt quệ tài chính lúc đầu là 10%, khi các yếu tố khác không đổi, nếu công ty này tăng tỷ lệ nợ lên 1% thì xác suất xảy ra kiệt quệ tài chính là 32.95%.  b. Biến SIZE: Có α3= – 1.888, P0=10%, và eα3= 0.1513

Thay vào công thức số (1) ta tính được: P1= 1.65%.

Nếu xác suất xảy ra kiệt quệ tài chính lúc đầu là 10%, khi các yếu tố khác không đổi, nếu quy mô công ty này (log(tài sản)) tăng lên một đơn vị log thì xác suất xảy ra kiệt quệ tài chính là 1.65%. Biến VLĐRTSNH: Có α4= – 1.477, P0=10%, và eα4= 0.2283 Thay vào công thức số (1) ta tính được: P1= 2.47%.

Nếu xác suất xảy ra kiệt quệ tài chính lúc đầu là 10%, khi các yếu tố khác không đổi, nếu công ty này tăng tỷ lệ vốn lưu động trên tài sản ngắn hạn lên 1% thì xác suất xảy ra kiệt quệ tài chính là 2.47%.

Vai trò ảnh hưởng của các yếu tố:

Từ đó, tác giả xác định được vai trò ảnh hưởng của các yếu tố được lập trong bảng 4.11 sau:

Bảng 4.11. Vai trò ảnh hưởng của các yếu tố trong mô hình nghiên cứu

STT Biến αk eαk P1 (khi xác suất ban đầu P0=10%) Tốc độ tăng/ giảm Vị trí ảnh hưởng
1 LEV 1.487 4.4238 32.95% 22.95% 1
2 SIZE – 1.888 0.1513 1.65% -8.35% 2
3 VLĐRTSNH – 1.477 0.2283 2.47% -7.53% 3

Nguồn: Tác giả

Trong các biến ảnh hướng đến khả năng xảy ra kiệt quệ tài chính, biến LEV (Đòn bẩy tài chính) có ảnh hưởng mạnh nhất, và còn lại theo thứ tự là: SIZE (Quy mô công ty) và VLĐR / TSNH (Tỷ lệ vốn lưu động ròng trên tài sản ngắn hạn).

Tương tự như trên tác giả tiến hành mô phỏng với sự thay đổi của P0 ở những trường hợp ở bảng 4.12 sau:

Bảng 4.12. Vai trò ảnh hưởng của các yếu tố trong mô hình khi P0 thay đổi

Biến αk eαk Mô phỏng xác suất kiệt quệ khi biến độc lập thay đổi một đơn vị với xác suất kiệt quệ ban đầu
10% 20% 30% 40%
LEV 1.487 4.4238 32.95% 52.52% 65.47% 74.68%
SIZE – 1.888 0.1513 1.65% 3.64% 6.08% 9.16%
VLĐRTSNH – 1.477 0.2283 2.47% 5.4% 8.9% 13.21%

Nguồn: Tác giả

Dựa vào bảng 4.12 ta có thể thấy: Kết quả xếp hạng cũng sẽ tương đồng nếu ta cho mức khởi đầu P0 khác nhau.

Kết luận: Cả 3 biến LEV (Đòn bẩy tài chính), SIZE (Quy mô công ty) và VLĐRTSNH (Tỷ lệ vốn lưu động rìn trên tài sản ngắn hạn) đều có ảnh hưởng lớn, làm thay đổi một cách đáng kể đến xác suất rơi vào kiệt quệ tài chính của doanh nghiệp. Nhưng trong đó biến tác động mạnh nhất là LEV, rồi đến SIZE và cuối cùng là VLĐRTSNH.

4.5. Tình hình kiệt quệ tài chính của các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam:

Trong những năm gần đây, đặc biệt trong và sau đại dịch Covid 19, tình trạng kiệt quệ tài chính xảy ra ở các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán Việt Namtrở nên phổ biến hơn. Để có những cảnh báo và bảo vệ cho quyền lợi của các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam, Sở giao dịch chứng khoán đã đưa ra những tiêu chí nhằm khoanh vùng các công ty đang gặp khó khăn về tài chính như sau:

  1. Vốn điều lệ đã góp tính trên báo cáo tài chính gần nhất của tổ chức niêm yết giảm dưới 30 tỷ đồng.
  2. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại báo cáo tài chính năm đã kiểm toán của tổ chức niêm yết là số âm (có tính đến ảnh hưởng của ý kiến ngoại trừ của đơn vị kiểm toán (nếu có) liên quan tới chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế chưa phân phối). Trường hợp tổ chức niêm yết là đơn vị kế toán cấp trên có đơn vị kế toán trực thuộc, chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế chưa phân phối được xem xét căn cứ trên báo cáo tài chính tổng hợp. Trường hợp tổ chức niêm yết có công ty con, chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế chưa phân phối được xem xét trên báo cáo tài chính hợp nhất.
  3. Tổ chức kiểm toán có ý kiến kiểm toán ngoại trừ đối với báo cáo tài chính năm đã được kiểm toán của tổ chức niêm yết. Trường hợp tổ chức niêm yết có công ty con hoặc là đơn vị kế toán cấp trên có các đơn vị kế toán trực thuộc thì thì ý kiến ngoại trừ được xác định theo báo cáo tài chính hợp nhất/báo cáo tài chính tổng hợp.
  4. Tổ chức niêm yết chưa họp Đại hội đồng cổ đông thường niên quá 06 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính.

đ) Tổ chức niêm yết ngừng hoặc bị ngừng các hoạt động sản xuất, kinh doanh chính từ 03 tháng trở lên.

  1. Cổ phiếu không có giao dịch trong vòng 06 tháng.
  2. Tổ chức niêm yết chậm nộp báo cáo tài chính năm đã được kiểm toán hoặc báo cáo tài chính bán niên đã được soát xét quá 15 ngày so với thời hạn quy định.
  3. Tổ chức niêm yết vi phạm quy định công bố thông tin từ 04 lần trở lên trong vòng 01 năm (tính theo năm dương lịch).

KẾT LUẬN CHƯƠNG 4

Trong chương 4, tác giả đã thực hiện lựa chọn mô hình cho phù hợp và thực hiện hồi quy. Thông qua các kết quả hồi quy, tác giả đã kiểm định các giả thuyết được đặt ra ở chương 3 và có kết luận về sự tác động của các biến độc lập đến biến phụ thuộc. Trong chương 5 cũng là chương 5 cuối của nghiên cứu này, tác giả sẽ đưa ra những kiến nghị phù hợp với nội dung nghiên cứu cũng như môi trường nghiên cứu và kết luận lại toàn bộ quá trình nghiên cứu.

CHƯƠNG 5. KẾT LUẬN VÀ GIẢI PHÁP

5.1. Kết luận về các nhân tố tác động đến kiệt quệ tài chính:

Trên cơ sở lý thuyết được đưa ra ở chương 2, kết hợp với kết quả nghiên cứu thực nghiệm về những nhân tố tác động đến khả năng xảy ra kiệt quệ tài chính đến các doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán HOSE, HNX trong giai đoạn 2016 – 2021. Bằng phương pháp thống kê mô tả và phân tích hồi quy dạng bảng, luận văn đã đúc kết những vấn đề sau:

Thứ nhất, doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy tài chính cao sẽ phải đối mặt đến kiệt quệ tài chính cao. Phát biểu này cũng đồng quan điểm với nghiên cứu thực nghiệm của John R.Graham, Solani Hazarika và Narasimhan (2011); Ohlson (1980); Wilson (2013); Võ Thị Thu Nguyệt (2007); Phạm Thị Hồng Vân (2005); Trần Thị Bích Ngọc (2013); Lương Trọng Đức (2012).

Ở chương 2 tác giả có đề cập đến lý thuyết đánh đổi (Kraus và Litezeberger, 1973), ở lý thuyết này có xem xét đến tình trạng kiệt quệ tài chính nhằm lựa chọn mức độ sử dụng nợ thích hợp hướng đến mục tiêu đạt được giá trị doanh nghiệp cao nhất. Lý thuyết đánh đổi đã cung cấp điều kiện ràng buộc giới hạn tối đa về mức độ sử dụng nợ trong cơ cấu vốn của doanh nghiệp, đó chính là rủi ro kiệt quệ tài chính. Tiếp theo tác giả có trình bày đến lý thuyết trật tự phân hạng (Myers và Majluf, 1984), ở lý thuyết này có những phát biểu bổ sung cho lý thuyết đánh đổi. Tuy nhiên tác giả chỉ quan tâm đến các khoản vay nợ để giải thích cho những giả định của đề tài. Trong lý thuyết này các khoản nợ vay ở thứ tự ưu tiên số 2, sau các nguồn vốn bên trong và trước các vốn góp trực tiếp từ chủ sở hữu. Bên cạnh những phát biểu về tính hữu dụng của việc vay nợ, thì lý thuyết trật tự phân hạng cũng cho thấy những hạn chế của việc vay nợ đó là:nợ là chi phí tài chính cố định, dù doanh nghiệp của bạn có hoạt động ra sao, thu nhập nhiều hay thậm chí đang thua lỗ thì doanh nghiệp vẫn phải đảm bảo việc trả lãi vay đúng kỳ hạn và trả nợ gốc khi đáo hạn, do vậy một sự gia tăng nợ của doanh nghiệp cũng đồng nghĩa với việc gia tăng thêm rủi ro tài chính. Chính vì thế các doanh nghiệp luôn cần phải cân nhắc khi nào sử dụng nợ và sử dụng bao nhiêu là hợp lý.

Từ hai lý thuyết nền tảng trên kết hợp với tham khảo những đề tài nghiên cứu trước, tác giả đưa ra giả thuyết nghiên cứu là: Doanh nghiệp có đòn bẩy tài chính càng cao thì càng dễ rơi vào tình trạng kiệt quệ tài chính. Để kiểm định tính đúng đắn cho giả định trên, tác giả tiến hành nghiên cứu trên mẫu nghiên cứu đã thu thập từ dữ liệu thứ cấp. Kết quả sau cùng cho thấy biến LEV (đòn bẩy tài chính) có tác động cùng chiều (+) đến khả năng kiệt quệ tài chính (Kết quả cụ thể được trình bày ở chương số 4).

Thứ hai, doanh nghiệp có quy mô càng lớn sẽ càng ít khả năng đối mặt với kiệt quệ tài chính. Phát biểu này tác giả nhận thấy có sự tương đồng trong cách nghiên cứu của Ohlson (1980); Phạm Thị Hồng Vân (2005); Võ Thị Thu Nguyệt (2007); Lương Trọng Đức (2012).

Ở chương 2 tác giả có đề cập đến lý thuyết về chi phí đại diện (Jensen và Meckling, 1976), ở lý thuyết này đã đề cập đến mâu thuẫn lợi ích nhóm của 3 nhóm: cổ đông, nhà quản lý, chủ nợ. Vì những lợi ích trước mắt các nhà quản lý có thể làm tổn hại đến lợi ích của cổ đông và chủ nợ. Do đó, các doanh nghiệp có quy mô lớn, thường có bộ phận kiểm soát, nên sẽ giảm nguy cơ kiệt quệ tài chính.

Từ nền tảng lý thuyết trên, sự lập luận của tác giả và những nghiên cứu cùng lĩnh vực, tác giả đưa ra giả thuyết nghiên cứu là: Các doanh nghiệp có quy mô càng lớn thì càng ít có khả năng rơi vào kiệt quệ tài chính. Để kiểm định tính đúng đắn cho giả định trên, tác giả tiến hành nghiên cứu trên mẫu nghiên cứu đã thu thập từ dữ liệu thứ cấp. Kết quả sau cùng cho thấy biến SIZE (quy mô doanh nghiệp) có tác động ngược chiều (-) đến khả năng kiệt quệ tài chính (Kết quả cụ thể được trình bày ở chương số 4).

Thứ ba, doanh nghiệp có thiên hướng sử dụng nợ dài hạn tài trợ cho tài sản ngắn hạn cao (ở một mức hợp lý) chứng tỏ doanh nghiệp có cơ cấu tài chính ổn định, ít có khả năng rơi vào kiệt quệ tài chính. Tác giả cũng bắt gặp những nghiên cứu có kết luận tương đồng: của Edward I. Altman (1968,2000); Phạm Thị Hồng Vân (2005) đề xuất.

Ở chương 2 tác giả có trình bày về 3 dạng mô hình tài trợ vốn chủ yếu. Ở mô hình thứ nhất, toàn bộ TSCĐ, TSLĐ thường xuyên, một phần của TSLĐ tạm thời được đảm bảo bằng nguồn vốn thường xuyên và một phần TSLĐ tạm thời còn lại được đảm bảo bằng nguồn vốn tạm thời. Đây được xem là mô hình theo quan điểm thận trọng, doanh nghiệp chủ động đáp ứng hầu hết nhu cầu VLĐ của mình bằng nguồn vốn dài hạn, kể cả nhu cầu thường xuyên và nhu cầu tạm thời dẫn đến đảm bảo khả năng thanh toán và mức độ an toàn về tài chính là cao trong DN, tạo điều kiện cho hoạt động kinh doanh diễn ra liên tục, ổn định. Mô hình này làm cho tài chính của doanh nghiệp vững chắc hơn và giảm thiểu được rủi ro kiệt quệ tài chính.

Dựa trên nền tảng đó, tác giả muốn tìm kiếm một chỉ số có thể cho thấy tài sản ngắn hạn được tài trợ bởi bao nhiêu tài sản dài hạn. Nếu tỷ lệ này cao chứng tỏ doanh nghiệp có cơ cấu tài chính an toàn và ngược lại.

Từ nền tảng lý thuyết trên, cùng với lập luận của tác giả và những nghiên cứu cùng lĩnh vực, tác giả đưa ra giả thuyết nghiên cứu là: Các doanh nghiệp có hệ số vốn lưu động ròng trên tài sản ngắn hạn càng cao thì càng ít rơi vào kiệt quệ tài chính. Để kiểm định tính đúng đắn cho giả định trên, tác giả tiến hành nghiên cứu trên mẫu nghiên cứu đã thu thập từ dữ liệu thứ cấp. Kết quả sau cùng cho thấy biến VLĐRTSNH (Tỷ lệ vốn lưu động ròng trên tài sản ngắn hạn) có tác động ngược chiều (-) đến khả năng kiệt quệ tài chính (Kết quả cụ thể được trình bày ở chương số 4).

Thứ tư, sau khi đưa ra mô hình, tác giả kiểm tra lại tính chính xác của mô hình trên mẫu nghiên cứu và có kết quả cụ thể như sau: Trong 596 trường hợp rơi vào kiệt quệ tài chính, có 359 trường hợp dự đoán đúng như vậy tỷ lệ là 60.23%. Trong 3142 trường hợp không rơi vào kiệt quệ tài chính, dự đoán đúng được 3113 trường hợp, có tỷ lệ là 99.08%.

Vậy trung bình tỉ lệ dự đoán đúng là 92.88% (mô hình số 1).

5.2. Giải pháp:

Để giải quyết vấn đề về các nhân tố ảnh hưởng đến kiệt quệ tài chính (LEV, SIZE, VLĐRTSNH) thực chất là việc giải quyết hai vấn đề lớn là: Xác định một cơ cấu vốn hợp lý cho một doanh nghiệp (LEV – VLĐRTSNH)  

Biện pháp 1: Tích cực nghiên cứu và ứng dụng phân tích định lượng để đưa ra quyết định cơ cấu vốn.

Các nghiên cứu thực nghiệm trong và ngoài nước đều cung cấp minh chứng rằng quyết định cơ cấu vốn chịu ảnh hưởng bởi nhiều nhân tố và bị ràng buộc bởi những điều kiện khác nhau về lợi nhuận và sự an toàn, tình trạng kiệt quệ tài chính, vì mục tiêu tăng giá trị doanh nghiệp. Điều này gợi ý cho các nhà quản trị tài chính doanh nghiệp hướng đến nghiên cứu và ứng dụng phương pháp phân tích định lượng để đưa ra quyết định cơ cấu vốn. Xuất phát từ gợi ý trên, các doanh nghiệp cần xác định được mô hình hồi quy với biến phụ thuộc là cơ cấu vốn, có thể là sự kết hợp giữa nợ với vốn chủ sở hữu, hoặc là sự kết hợp giữa nguồn vốn ngắn hạn với nguồn vốn dài hạn. Tùy vào từng trường hợp cụ thể của doanh nghiệp, nhà quản trị tài chính sẽ thực hiện kiểm định để xác định các biến độc lập. Kết quả của mô hình hồi quy được chấp nhận sẽ chỉ ra cho nhà quản trị tài chính phương trình biểu diễn mối quan hệ giữa cơ cấu vốn với các nhân tố ảnh hưởng.

Dựa vào mô hình hồi quy đã được xác định, các nhà quản trị tài chính doanh nghiệp có thể nhận diện mức độ ảnh hưởng của từng nhân tố đến cơ cấu vốn, từ đó định hướng thiết lập cơ cấu vốn theo mục tiêu đề ra cho từng giai đoạn phát triển cụ thể của doanh nghiệp.

Hơn thế nữa, doanh nghiệp có thể chủ động hoạch định cơ cấu vốn cho tương lai, bằng cách thay thế những kết hợp khác nhau về giá trị mục tiêu của các biến độc lập để xác định cơ cấu vốn dự kiến và từ đây, nhà quản trị tài chính tiếp tục nghiên cứu mối quan hệ giữa cơ cấu vốn với các điều kiện ràng buộc về lợi nhuận dành cho chủ sở hữu và tình trạng kiệt quệ tài chính để đưa ra quyết định lựa chọn cuối cùng về cơ cấu vốn, làm cơ sở thiết lập các biện pháp thực hiện, định hướng công tác tổ chức huy động vốn cho kế hoạch.

Biện pháp 2: Điều chỉnh cơ cấu nợ theo hướng giảm bớt nợ vay, tập trung chủ yếu là giảm các khoản nợ vay có lãi suất cao:

Đối với biện pháp này sẽ hướng đến cán cân nợ tức đòn bẩy tài chính. Thực hiện điều chỉnh cơ cấu nợ theo hướng giảm bớt mức độ sử dụng nợ vay, tập trung chủ yếu là giảm các khoản nợ vay có lãi suất cao sẽ góp phần tạo nên sự chuyển biến tích cực cho cơ cấu vốn của doanh nghiệp nhờ tiết kiệm chi phí sử dụng nợ và giảm bớt áp lực thanh toán chi phí lãi vay.

Để thực hiện điều chỉnh cơ cấu nợ theo hướng nói trên, nhà quản trị tài chính doanh nghiệp có thể nghiên cứu và thực hiện các biện pháp cụ thể như sau:

Thứ nhất, vay nợ ngắn hạn thông qua phát hành thương phiếu (commercial paper), đó là chứng nhận nợ có thời hạn ngắn, thường là 30 – 90 ngày, không cần tài sản đảm bảo mà doanh nghiệp phát hành dựa trên cơ sở uy tín, sự lớn mạnh về quy mô hoạt động và sự nổi tiếng. Ưu điểm của thương phiếu là lãi suất thấp, vì các doanh nghiệp thường dùng hạn mức tín dụng được cấp bởi ngân hàng thương mại để đảm bảo thanh toán khi thương phiếu đến hạn, dẫn đến rủi ro thanh toán thấp (khắc phục hạn chế của việc sử dụng nợ ngắn hạn – một trong những nguyên nhân dẫn đến kiệt quệ tài chính khi nợ ngắn hạn đến hạn thanh toán mà doanh nghiệp không có khả năng chi trả).

Thứ hai, doanh nghiệp cần chủ động đảm bảo thực hiện thanh toán tiền mua hàng cho nhà cung cấp theo đúng thỏa thuận nhằm gia tăng vị thế tín dụng, tạo niềm tin cho đối tác và từ đó tăng cường các hoạt động đàm phán với nhà cung cấp mở rộng chính sách tín dụng thương mại, tăng chiếm dụng khoản phải trả. Hoặc doanh nghiệp chú trọng đảm bảo chất lượng và lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm để hướng đến khai thác nguồn vốn chiếm dụng từ khách hàng thông qua yêu cầu thanh toán trước. Dù biết rằng nợ thì việc phải thanh toán là điều chắc chắn, nhưng chiếm dụng những khoản tiền không chịu phí vẫn là một thế lớn mà doanh nghiệp cần phải xem xét.

Thứ ba, nghiên cứu và mạnh dạn tạo ra các khoản chênh lệch tạm thời giữa lợi nhuận chịu thuế và lợi nhuận kế toán trước thuế theo hướng doanh nghiệp sẽ trì hoãn nộp thuế, tạo cơ hội giảm bớt tiền chi nộp thuế trong năm hiện hành và nộp trả cho Nhà nước vào những năm trong tương lai. Như vậy, doanh nghiệp vừa gia tăng nguồn vốn dài hạn, ổn định nhưng cũng vừa tiết kiệm chi phí sử dụng vốn. Tuy nhiên để làm được điều này, doanh nghiệp cần có nhà quản trị tài chính với trình độ chuyên môn vững chắc và có nhận thức đúng, đầy đủ về các quyết định tài chính trong môi trường thuế, đặc biệt là thực tế quy định tính thuế tại Việt Nam, chẳng hạn doanh nghiệp có thể trích khấu hao nhanh đối với tài sản cố định cho mục đích tính thuế bằng cách lựa chọn thời gian khấu hao ngắn hơn hoặc sử dụng phương pháp khấu hao nhanh.

Biện pháp 3: Điều chỉnh cơ cấu vốn theo hướng đến tương thích với cơ cấu tài sản:

Sự tương thích giữa cơ cấu vốn và cơ cấu tài sản là cơ sở rất quan trọng giúp doanh nghiệp giải quyết bài toán mối quan hệ lợi nhuận và rủi ro. Vì vậy các doanh nghiệp cần chủ động điều chỉnh cơ cấu vốn dựa vào cơ cấu tài sản để không rơi vào tình trạng mất cân đối cơ cấu tài chính, rủi ro thanh toán cao, nhưng cũng không duy trì quá nhiều nguồn vốn dài hạn so với mức thực sự cần thiết của hoạt động chính để đảm bảo tiết kiệm chi phí sử dụng vốn và không xảy ra hiện tượng dư thừa vốn dẫn đến đầu tư trái ngành tràn lan, khó kiểm soát rủi ro và hiệu quả đầu tư thấp. Mức độ tài trợ cụ thể tại từng doanh nghiệp còn chịu sự chi phối bởi đặc điểm ngành nghề kinh doanh, “khẩu vị” của nhà quản trị tài chính, khả năng luân chuyển giá trị của tài sản và môi trường hoạt động,…; điều này đòi hỏi nhà quản trị tài chính phải biết vận dụng một cách linh hoạt nguyên tắc tương thích giữa cơ cấu vốn với cơ cấu tài sản.

Đối với trường hợp các doanh nghiệp bị mất cân đối cơ cấu tài chính dẫn đến rủi ro mất khả năng thanh toán ngắn hạn cao, nhà quản trị tài chính cần tích cực hơn trong việc điều chỉnh cơ cấu vốn theo hướng tăng nguồn vốn dài hạn để thay thế cho nguồn vốn ngắn hạn, vì mâu thuẫn cơ bản dẫn đến hiện tượng nói trên là nguồn vốn dài hạn không để tài trợ cho tất cả tài sản dài hạn và doanh nghiệp đã phải tài trợ bằng nguồn vốn ngắn hạn. Các biện pháp điều chỉnh cơ cấu vốn trong trường hợp mất cân đối cơ cấu tài chính có thể là chủ động đàm phán với chủ nợ để gia hạn hoặc điều chỉnh kỳ hạn nợ, đề xuất chính sách giữ lại lợi nhuận nhiều hơn so với chia lợi nhuận cho chủ sở hữu, bán cổ phiếu quỹ, …

Đối với các trường hợp doanh nghiệp đã tài trợ quá nhiều cho tài sản ngắn hạn bằng nguồn vốn dài hạn, dẫn đến chi phí cao và giảm tính mềm dẻo của cơ cấu tài chính, nhà quản trị tài chính cần chủ động điều chỉnh cơ cấu vốn thay vì tìm kiếm cơ hội mở rộng các hình thức đầu tư trái ngành, có thể thực hiện mua lại cổ phiếu của doanh nghiệp đã phát hành, đàm phán thanh toán các khoản nợ chiếm dụng người bán dài hạn để hưởng chiết khấu thanh toán, và thậm chí là doanh nghiệp có thể vay nợ ngắn hạn để đáp ứng cho nhu cầu gia tăng đầu tư tài sản cố định,…

Tóm lại, cơ cấu vốn của doanh nghiệp cần được xác định và điều chỉnh một cách tích cực dựa vào cơ cấu tài sản mà không nên dựa vào mục đích sử dụng vốn, từ đó tiến đến cơ cấu vốn mục tiêu và hình thành cơ cấu tài chính đảm bảo hài hòa mối quan hệ lợi nhuận và rủi ro theo kỳ vọng của doanh nghiệp.

  • Quản trị nội bộ của một doanh nghiệp (SIZE)

Ở biến quy mô của doanh nghiệp, qua nghiên cứu cho thấy đây là biến tác động ngược chiều đến khả năng xảy ra kiệt quệ tài chính. Theo lập luận của tác giả nguyên nhân đưa ra từ yếu tố bên ngoài, tức hạn chế trong khả năng hỗ trợ tài chính của các tổ chức tài chính. Bên trong là do sự xung đột lợi ích giữa các chủ thể với nhau, từ đó cần phải có một tổ chức nội bộ luôn chuẩn mực và minh bạch thông tin.

Nếu nhìn nhận trên góc độ một doanh nghiệp chưa xảy ra kiệt quệ tài chính, thì có thể ngăn chặn sự tác động nghịch biến của biến SIZE lên khả năng kiệt quệ (không phải bằng cách tăng quy mô công ty) mà là tăng mức tín nhiệm của công ty mình trước mắt của các nhà cung ứng vốn (tiêu biểu mà tác giả muốn đề cập đó là nợ vay từ các tổ chức tín dụng).

Tuy nhiên nếu nhìn nhận từ góc nhìn của một doanh nghiệp đang xảy ra kiệt quệ tài chính mà theo như lý khung lý thuyết mà tác giả đã đưa ra đó là khả năng không đáp ứng được việc thanh toán khi các khoản nợ đến hạn. Do đó hướng giải quyết này không phù hợp, mà phải xử lý dựa trên sự xung đột lợi ích giữa các chủ thể kinh tế. Một doanh nghiệp nhỏ thì khó có các tổ chức tài chính riêng lẻ, chuyên nghiệp để minh bạch về thông tin cho cả nhà đầu tư, chủ nợ hay thậm chí là các cổ đông. Việc không minh bạch thông tin có thể làm mất đi tính chính xác trong các quyết định của chủ nợ, nhà đầu tư hay kể cả những nhà quản trị. Những lợi ích mà họ thu lại từ việc “đánh bóng” sự thật vô cùng to lớn. Do vậy các nhà lãnh đạo có tầm nhìn, cần phải chỉnh đốn và minh bạch thông tin, cũng như xây dựng một bộ phận chuyên trách về theo dõi và thẩm định.

Tuy nhiên kiệt quệ tài chính hay nói rộng hơn là “cảm giác” về doanh nghiệp của mình rơi vào kiệt quệ tài chính còn rất mơ hồ cho cả nhà đầu tư và nhà quản trị. Bởi đơn thuần mỗi đối tượng sẽ có một “khẩu vị” rủi ro khác nhau, do đó việc nhìn nhận về khả năng chịu đựng, cũng như mức độ áp dụng mạnh hay yếu của từng biện pháp, ở từng giai đoạn cũng sẽ rất khác nhau.

Bước thứ nhất, xây dựng một tiêu chuẩn về chỉ tiêu để đo lường khả năng kiệt quệ tài chính của doanh nghiệp được thực hiện căn cứ vào mục tiêu tài chính và điều kiện cụ thể của doanh nghiệp trong từng giai đoạn hoạt động. Ngoài ra, năng lực chuyên môn và thái độ của nhà quản trị cũng là yếu tố cần được xem xét khi thực hiện bước này.

Theo những nghiên cứu trước mà tác giả tìm hiểu, cơ bản có 2 cách thông dụng để dự báo khả năng kiệt quệ tài chính cho một doanh nghiệp:

  • Xây dựng dựa trên những mô hình dự báo đã có sẵn: Z-core.
  • Tự đề xuất một mô hình cho công ty của bạn.

Bước thứ hai, đánh giá mức độ hài lòng về các yếu tố dự báo trong mô hình và điểm dự báo của mô hình. Dưới góc độ quản trị tài chính doanh nghiệp, “khẩu vị” rủi ro luôn là nhân tố được xem xét đến khi ra quyết định tài chính, vì vậy, việc thực hiện nhận diện rủi ro tài chính không chỉ dựa vào phân tích dự báo trong mô hình và điểm dự báo của mô hình mà còn phải tham khảo ý kiến đánh giá mức độ hài lòng của nhà quản trị.

Phương pháp so sánh được sử dụng chính ở bước này, nhà quản trị tài chính sẽ tổ chức thực hiện đánh giá hệ số khả năng thanh toán lãi vay đã đưa tiêu chuẩn thiết lập ở bước 1.

Đối tượng tham gia đánh giá mức độ hài lòng về dự báo trong mô hình và điểm dự báo của mô hình tùy vào điều kiện cụ thể của doanh nghiệp, có thể thành lập hội đồng đánh giá bao gồm: đại diện chủ sở hữu (hội đồng quản trị hoặc hội đồng thành viên,…), giám đốc điều hành, giám đốc tài chính, kế toán trưởng, các quản trị tài chính viên trực tiếp thực hiện mảng quyết định nguồn tài trợ,…

Các mức độ đánh giá về sự hài lòng đối với các hệ số tài chính có thể được xây dựng theo thang đo Likert, bao gồm 5 mức độ như sau: Rất hài lòng, Hài lòng, Không ý kiến, Không hài lòng và Rất không hài lòng.

Bước thứ ba, nhận diện rủi ro kiệt quệ tài chính xảy ra. Bước này sẽ được thực hiện được trên cơ sở kết quả tổng hợp đánh giá ở bước 2, cho biết mức độ hài lòng đối với những biến dự báo trong mô hình và điểm dự báo của mô hình.

Sau đó nhà quản trị sẽ lên kế hoạch để điều chỉnh về cơ cấu vốn và chiến lược sản xuất kinh doanh sao cho phù hợp và thực hiện lại bước 3 để đối chiếu xem điều chỉnh như vậy đã thích hợp chưa và có làm giảm khả năng doanh nghiệp bị rơi vào kiệt quệ tài chính hay không.

5.3. Những hạn mặt còn hạn chế của nghiên cứu:

Hạn chế thứ nhất của đề tài là do thị trường chứng khoán Việt Nam mới hình thành và phát triển chưa lâu nên việc hạn chế về số liệu phân tích là điều khách quan khó tránh khỏi. Tuy nhiên, giới hạn về thời gian lấy mẫu ngắn chỉ từ năm 2016 đến năm 2021 và số lượng doanh nghiệp trong mẫu là khá nhỏ chỉ gồm 623 doanh nghiệp so với hơn 738 nghìn doanh nghiệp trên toàn quốc thì mẫu nghiên cứu chưa đủ đại diện mạnh mẽ cho tổng thể, do đó có thể làm giảm mức ý nghĩa của mô hình. Vì vậy, với các bài nghiên cứu sau, khi số doanh nghiệp tham gia thị trường gia tăng và thông tin minh bạch hơn có thể cải thiện kết quả mô hình bằng việc gia tăng thêm số quan sát trong nghiên cứu.

Hạn chế thứ hai của đề tài là số lượng quan sát doanh nghiệp rơi vào kiệt quệ tài chính khá ít. Do vậy cần thiết thu thập thêm các mẫu nghiên cứu ở các Doanh nghiệp bị kiệt quệ tài chính để mô hình dự báo có tính chính xác cao hơn.

Hạn chế thứ ba mà tác giả nhìn nhận do đây là đề tài nghiên cứu về những nhân tố tác động đến kiệt quệ tài chính, trong mô hình mà tác giả đưa ra còn thiếu những biến mang tính đặc thù mà không khó quan sát, ví dụ như năng lực lãnh đạo, chính sách đãi ngộ với nhân viên, hoặc các biến mang yếu tố ngoại sinh như khủng hoảng kinh tế, lãi suất, thuế quan có ảnh hưởng đến kiệt quệ tài chính. Số lượng biến độc lập còn khá ít do đó không thể hiện tính bao quát của mô hình. Tuy nhiên dưới góc độ nhìn nhận những nhân tố tác động đến kiệt quệ tài chính thì tác giả đã đảm bảo yêu cầu và chứng minh, kiểm định những giả thuyết đã đưa ra ban đầu.

5.4. Gợi ý hướng nghiên cứu trong tương lai:

Luận văn đã nghiên cứu thực nghiệm và đưa ra được những đề xuất giải pháp đối với lĩnh vực kiệt quệ tài chính của các doanh nghiệp phi tài chính tại Việt Nam, tuy nhiên, đề tài nghiên cứu này khá rộng và phức tạp nên cần tiếp tục có những nghiên cứu trong tương lai.

Thứ nhất, mở rộng cỡ mẫu nghiên cứu.

Mẫu nghiên cứu của luận văn là 623 doanh nghiệp phi tài chính niêm yết trong giai đoạn 2016 – 2021 với dữ liệu thứ cấp từ báo cáo tài chính, theo đó, cỡ mẫu đủ lớn để đảm bảo tính đại diện cho tổng thể doanh nghiệp Việt Nam nhưng các nghiên cứu tiếp theo có thể mở rộng cỡ mẫu về không gian và thời gian.

  • Về thời gian, các nghiên cứu trong tương lai có thể thực hiện trong khoảng thời gian 10 năm, có thể từ năm 2012 đến năm 2021, hoặc dài hơn nữa để có đánh giá hữu ích đối với tổng thể trong dài hạn.
  • Về không gian, các nghiên cứu trong tương lai có thể thực hiện đối với nhiều doanh nghiệp hơn, không chỉ dựa vào các doanh nghiệp niêm yết mà có thể bổ sung thêm các doanh nghiệp chưa niêm yết.

Thứ hai, mở rộng hoặc thu hẹp nội dung nghiên cứu.

Luận văn đưa ra thiết kế nghiên cứu định lượng các yếu tố tác động đến khả năng kiệt quệ tài chính tại các doanh nghiệp phi tài chính Việt Nam thuộc các ngành nghề kinh doanh khác nhau, vì vậy, các nghiên cứu trong tương lai có thể mở rộng hoặc thu hẹp nội dung nghiên cứu.

Các nghiên cứu tương lai có thể mở rộng nội dung theo hướng phân tích các yếu tố tác động đến khả năng kiệt quệ tài chính tại các doanh nghiệp phi tài chính Việt Nam thuộc các ngành nghề khác nhau, hoặc nghiên cứu đối với tất cả các doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp tài chính và doanh nghiệp phi tài chính.

Các nghiên cứu tương lai có thể thu hẹp nội dung theo hướng phân các yếu tố tác động đến khả năng kiệt quệ tài chính của một doanh nghiệp, của nhóm doanh nghiệp ở Việt Nam.

Thứ ba, nghiên cứu các biện pháp cụ thể cho các gợi ý, đề xuất của luận văn.

Dựa vào kết quả nghiên cứu, luận văn đưa ra được một số gợi ý, đề xuất chung đối với tình trạng kiệt quệ tài chính của các doanh nghiệp phi tài chính tại Việt Nam. Để các gợi ý, đề xuất của luận văn có tính thuyết phục cao hơn, các nghiên cứu tiếp theo có thể tiếp cận từng trường hợp doanh nghiệp và từ đó chỉ ra cách thức, biện pháp thực hiện cụ thể cho các gợi ý, đề xuất này.

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x
()
x
Contact Me on Zalo
0877682993