Mục lục
Nâng cao chất lượng dịch vụ thanh toán quốc tế tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam chi nhánh Lâm Đồng II
TÓM TẮT LUẬN VĂN
Tiêu đề: “Nâng cao chất lượng dịch vụ thanh toán quốc tế tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam chi nhánh Lâm Đồng II” đã tập trung vào những vấn đế cơ bản như sau:
Nội dung:
Một là, hệ thống hóa những vấn đề lý luận cơ bản về nghiệp vụ TTQT nói chung và tính cấp thiết phải nâng cao chất lượng dịch vụ thanh toán quốc tế của các NHTM.
Hai là, phân tích thực trạng chất lượng dịch vụ thanh toán quốc tế của Agribank Lâm Đồng II thời gian từ 2020 đến 2024, để chỉ ra những kết quả đạt được cũng như những vấn đề còn tồn tại, tìm ra các nguyên nhân của các tồn tại đó.
Ba là, đề xuất các giải pháp cụ thể đối với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam-Chi nhánh Lâm Đồng II nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ TTQT. Đồng thời, luận văn cũng đề xuất một số kiến nghị với ngân hàng nhà nước, khách hàng là doanh nghiệp thực hiện trực tiếp hoạt động XNK nhằm tạo điều kiện phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ thanh toán quốc tế của Agribank Lâm Đồng II.
Từ khóa: Dịch vụ thanh toán quốc tế,Agribank, nâng cao chất lượng, Lâm Đồng II
ABSTRACT
Topic: Improving the quality of international payment services at Bank for Agriculture and Rural Development of Vietnam Lam Dong II branch
Content:
Firstly, systematize the basic theoretical issues of international payment operations in general and the urgency to improve the quality of international payment services of commercial banks.
Second, analyze the current status of international payment service quality of Agribank Lam Dong II from 2020 to 2024, to show the achieved results as well as outstanding problems, find out the causes of these problems. those existences. Third, propose specific solutions to Bank for Agriculture and Rural Development of Vietnam – Lam Dong II Branch in order to improve the quality of international communication services. At the same time, the thesis also proposes a number of recommendations to the State bank, customers who are enterprises that directly perform import-export activities in order to facilitate the development and improve the quality of international payment services of Agribank Lam Dong. Dong II.
Keywords: International payment service, Agribank, quality improvement, Lam Dong II
CHƯƠNG 1: LỜI MỞ ĐẦU
1.1 Tính cấp thiết của đề tài
Trong quá trình hội nhập, một trong những yêu cầu cấp thiết đặt ra với hệ thống ngân hàng Việt Nam là phải nâng cao chất lượng các dịch vụ ngân hàng trong đó có dịch vụ thanh toán quốc tế bởi đó không chỉ là con đường tắt giúp các ngân hàng rút ngắn khoảng cách về công nghệ, trình độ năng lực… với các ngân hàng tiên tiến trong khu vực và trên thế giới, mà còn là công cụ gia tăng cạnh tranh, giúp các ngân hàng Việt Nam đứng vững và phát triển trong môi trưuờng cạnh tranh khốc liệt đó. Nhận thức được vị thế cũng như tầm quan trọng của các dịch vụ thanh toán quốc tế nên NHNo&PTNT CN Lâm Đồng II bước đầu đã giành sự quan tâm đầu tư để phát triển các dịch vụ này và cũng đạt được những thành công nhất định. Tuy nhiên, quá trình nâng cao chất lượng dịch vụ thanh toán quốc tế vẫn còn nhiều hạn chế và bất cập về mặt tổ chức, nghiệp vụ, trình độ cán bộ, việc áp dụng các chuẩn mực quốc tế … do đó, kết quả đạt được chưa cao. Chính vì vậy, việc nghiên cứu nhằm nâng cao chất lượng các dịch vụ thanh toán quốc tế là cần thiết và mang tính thời sự cao đối với các ngân hàng thương mại Việt Nam nói chung cũng như bản thân NHNo&PTNT CN Lâm Đông II nói riêng.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, đặc biệt là từ sau năm 2022, doanh số thanh toán quốc tế của chi nhánh đã giảm rõ rệt, Ngoài nguyên nhân do các ngân hàng thương mại khác cũng mở rộng và chú trọng vào hoạt động thanh toán quốc tế và sự gia tăng các chi nhánh ngân hàng hoạt động trên địa bàn thì bản thân chi nhánh Lâm Đồng II cũng chưa thực sự đổi mới trong hoạt động, quy mô thanh toán quốc tế tại Chi nhánh Lâm Đồng II còn nhỏ, chất lượng dịch vụ thanh toán quốc tế còn thấp, các sản phẩm dịch vụ thanh toán quốc tế chủ yếu là các nghiệp vụ truyền thống, nhiều nghiệp vụ hiện đại chưa được áp dụng, khách hàng sử dụng thanh toán quốc tế ít, chưa thường xuyên. Việc tìm ra những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ thanh toán quốc tế của Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam – chi nhánh Lâm Đồng II là một nhu cầu bức thiết, một đòi hỏi khách quan không chỉ đối với sự phát triển kinh tế trên địa bàn mà còn với Ban lãnh đạo Ngân hàng, từng cán bộ trực tiếp thực hiện nghiệp vụ thanh toán quốc tế .
Xuất phát từ những vấn đề trên, là một người đang làm công tác thanh toán quốc tế trong hệ thống ngân hàng, tôi đã lựa chọn đề tài: “Nâng cao chất lượng dịch vụ thanh toán quốc tế tại ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn – chi nhánh Lâm Đồng II ” làm nội dung nghiên cứu cho luận văn của mình
1.2 Mục đích nghiên cứu của luận văn
1.2.1. Mục tiêu tổng quát:
Với mục đích làm sáng tỏ vị trí, vai trò của hoạt động thanh toán quốc tế trong nền kinh tế, luận giải có tính hệ thống cơ sở lý luận và thực tiễn, các hạn chế và nguyên nhân gây ra khó khăn trong việc phát triển hoạt động thanh toán quốc tế. Từ đó đề xuất các giải pháp nhằm hoàn thiện và nâng cao chất lượng hoạt động thanh toán quốc tế của NHNo&PTNTVN Chi nhánh Lâm Đồng II.
1.2.2. Mục tiêu cụ thể:
Hệ thống hóa những kiến thức, lý luận về thanh toán quốc tế và những rủi ro trong thanh toán quốc tế.
Phân tích thực trạng thanh toán quốc tế tại NHNo&PTNT CN Lâm Đồng II Đề xuất những giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ thanh toán quốc tế tại NHNo&PTNT CN Lâm Đồng II
1/3 Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
1.3.1. Đối tượng nghiên cứu:
Luận văn tập trung nghiên cứu Dịch vụ thanh toán quốc tế tại NHNo&PTNT CN Lâm Đồng II, thực trang và giải pháp nâng cao dịch vụ thanh toán quốc tế tại NHNo&PTNT CN Lâm Đồng II.
1.3.2. Phạm vi nghiên cứu:
Phạm vi về không gian: Đề tài chỉ tập trung nghiên cứu chất lượng dịch vụ thanh toán quốc tế tại NHNo&PTNT CN Lâm Đồng II
Phạm vi về thời gian: Các số liệu thống kê phục vụ cho nghiên cứu được thu thập từ năm 2020 đến hết năm 2024 và các giải pháp, định hướng đề tài đưa ra để nâng cao chất lượng dịch vụ thanh toán quốc tế trong 5 năm kế tiếp.
1.4 Phương pháp nghiên cứu
Luận văn sử dụng phương pháp duy vật biện chứng, duy vật lịch sử, phương pháp phân tích lý luận, đối chiếu, phương pháp định tính
1.5 Câu hỏi nghiên cứu
Chất lượng dịch vụ là gì, chất lượng dịch vụ thanh toán quốc tế là gì, bao gồm những thành phần nào?
Thực trạng chất lượng dịch vụ thanh toán quốc tế tại NHNo&PTNT CN Lâm Đồng II được đánh giá như thế nào, phương pháp đo lường chất lượng dịch vụ TTQT tại NHNo&PTNT CN Lâm Đồng II?
NHNo&PTNT CN Lâm Đồng II cần làm gì để thu hút khách hàng thông qua việc nâng cao chất lượng dịch vụ thanh toán quốc tế?
1.6 Đóng góp của đề tài
Luận văn đã tổng hợp, hệ thống hoá các lý luận cơ bản về dịch vụ TTQT từ đó chỉ ra sự cần thiết phải nâng cao chất lượng dịch vụ TTQT đối với các NHTM.
Đã đưa ra một số giải pháp kiến nghị các ban ngành liên quan nhằm hoàn thiện và nâng cao chất lượng dịch vụ TTQT tại NHNo&PTNT CN Lâm Đồng II nói riêng và NHNo&PTNT Việt Nam nói chung
1.7 Tổng quan về lĩnh vực nghiên cứu
1.7.1. Khảo lược các nghiên cứu
- Các nghiên cứu nước ngoài
Dr. Nguyen Hoang Phuong Linh (2024) “Determinants of international payment service quality in banking sector: a comparison study between stateowned joint-stock commercial banks and private joint-stock commercial banks in Vietnam” Đẩy mạnh việc lấy ý kiến phản hồi của khách hàng để nâng cao chất lượng dịch vụ việc lấy ý kiến phản hồi của khách hàng sau mỗi giao dịch cũng có thể nâng cao chất lượng dịch vụ của ngân hàng.Tác động đầu tiên của việc này là áp lực đối với giao dịch viên. Khi họ hỗ trợ và phục vụ khách hàng tốt,năng lực của họ được đánh giá cao, từ đó sẽ được hưởng những ưu đãi đặc biệt và khả năng thăng tiến trong tương lai khuyến mãi. Ngược lại, nếu giao dịch viên khiến khách hàng có phần không hài lòng thì phản hồi lấy từ khách hàng sẽ có tác động tiêu cực đến công việc của họ. Ngoài ra, tiếp nhận thông tin phản hồi từ khách hàng cũng sẽ giúp ngân hàng biết được điểm nào cần phát huy và điểm nào cầnkhắc phục để chất lượng dịch vụ tốt hơn trong thời gian tới YT Jou và cộng sự (2024) “Assessing Service Quality and Customer Satisfaction of Electric Utility Provider’s Online Payment System during the COVID-19 Pandemic: A Structural Modeling1”: Đại dịch COVID-19 đã làm thay đổi nhanh chóng cuộc sống của con người, đặc biệt là cuộc sống công nghệ những tiến bộ. Hầu hết các ngành dịch vụ đã chọn áp dụng thanh toán trực tuyến kể từ đại dịch đã xảy ra. Các công ty điện lực là một trong những ngành công nghiệp chính sử dụng thanh toán trực tuyến như một phương thức thanh toán thay thế cho thanh toán bằng tiền mặt truyền thống để giảm thiểu tiếp xúc giữa người với người. Các nghiên cứu hiện tại nhằm đánh giá chất lượng dịch vụ của các công ty điện lực và sự hài lòng của khách hàng đối với cải thiện hệ thống thanh toán. Nghiên cứu được thực hiện tại Hợp tác xã điện lực Occidental Mindoro.
Sharifah Faigah Syed Alwia và cộng sự ( 2007) “International Chamber of Commerce, The Uniform Customs & Pratice for documentary Credit, 2007 revision, ICC publication No.600, Paris”: bài báo của ông cho thấy có một số Điều khoản của UCP 600 là quy tắc điều chỉnh của LC Wakalah vàLC Murabahah mâu thuẫn với các yêu cầu của Shari’ah. Tuy nhiên, bài báo này chỉ tập trung vào Điều 5 và Điều 7 của UCP 600 nhấn mạnh giao dịch LC chỉ được thực hiện trên cơ sở chứng từ. Các ngân hàng Hồi giáo là chủ sở hữu của hàng hóa trong LC Murabahah và là đại lý cho khách hàng trong LC Wakalah có trách nhiệm biết về tình trạng và sự tồn tại của hàng hóa tham gia giao dịch LC. Cái này bài báo ngụ ý rằng các ngân hàng Hồi giáo trong việc phát hành LC-i bị hạn chế theo UCP 600 như các quy tắc điều chỉnh nhưng tại đồng thời phải tuân thủ các yêu cầu của Shari’ah. Vì vậy, để đảm bảo rằng LC-i hoạt động tuân thủ các yêu cầu của Shari’ah, một số ngân hàng Hồi giáo đã chỉ định một bên thứ ba hoặc một đại lý hoặc khách hàng tự mình kiểm tra, xác minh tình trạng hàng hóa xem có đúng như yêu cầu hay không tài liệu đặc tả. Thật không may, hầu hết các ngân hàng Hồi giáo không có thông lệ này khi họ chỉ chấp nhận và tuân theo UCP 600. BNM với tư cách là cơ quan quản lý nên đề xuất với ICC để đưa ra.
- Các nghiên cứu trong nước
NCS Nguyễn Thị Xuân Hương (2012) Nâng cao chất lượng dịch vụ thanh toán quốc tế tại NHNO&PTNT chi nhánh Hà Tây” . Đối với NHNo&PTNT CN. Hà Tây dịch vụ này đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ, song vẫn chưa phát triển tương xứng với vai trò và tiềm năng của ngân hàng để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng lên của nền kinh. luận văn đã đưa ra một số giải pháp kiến nghị các ban ngành liên quan nhằm hoàn thiện và nâng cao chất lượng dịch vụ TTQT tại NHNO&PTNT chi nhánh Hà Tây nói riêng và NHNo&PTNT Việt Nam nói chung.
Nguyễn Thu Hằng (2019)Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động thanh toán quốc tế tại hội sở ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam” Kết quả đạt được: Qua nghiên cứu và khảo sát thực tế hoạt động thanh toán quốc tế tại BIDV, thanh toán quốc tế tại ngân hang đã góp phần giải quyết nhu cầu thanh toán của khách hang và thu được nhiều kết quả đáng khích lệ. Khóa luận đóng góp vài ý kiến nhỏ bé với hy vọng hoạt động kinh doanh đối ngoại của BIDV nói chung và hoạt động thanh toán quốc tế nói riêng ngày nay.
Nguyễn Thị Thanh Thủy (2013), Phát triển dịch vụ thanh toán quốc tế tại công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam chi nhánh tỉnh Kom Tum. Nghiên cứu trong giai đoạn từ năm 2010 đến năm 2012. Thực trạng tại Agribank CN Kom Tum đã phát triển dịch vụ chuyển tiền và chi trả kiều hối đối với các cá nhân đang sống, học tập và lao động ở nước ngoài. Đối với dịch vụ thanh toán hàng nhập khẩu, nhằm đáp ứng như cầu sử dụng điện trong sản xuất cũng như sinh họa của người dân, các mặt hàng nhập khẩu chử yếu trên địa bàn Kon Tum là máy móc thiết bị thủy điện và phân bón các loại phục vụ cho ngành nông nghiệp. Số lượng thanh toán nhập khẩu nhìn chung tăng trưởng đều qua các năm
Đặng Ngọc Dung (2014) ,Giải pháp phát triển hoạt động thanh toán quốc tế tại Agribank chi nhánh Sài gòn”. Nhìn chung qua 3 năm, tổng doanh số TTQT của chi nhánh có xu hướng giảm rõ rệt một phần là do bị ảnh hưởng bởi nền kinh tế chung, mặt khác đến từ sự cạnh tranh thị phần của các ngân hàng khác trên địa bàn Tp.HCM. Tỷ trọng của doanh thu đến từ xuất khẩu luôn chiếm phần lớn trong cơ cấu. có những thành công đáng kể trong quá trình hoạt động như: thu hút được khách hàng mới, cơ cấu khách hàng thay đổi đáng kể, có nhiều khách hàng truyền thống thực hiện nghiệp vụ TTQT tại chi nhánh là các tổng công ty lớn, có uy tín, thực hiện xuất nhập khẩu với số lượng hàng hóa lớn
1.7.2. Khoảng trống nghiên cứu
Qua nhiều kết quả thăm dò trực tiếp ý kiến khách hàng về các tiện ích dịch vụ thanh toán quốc tế của chi nhánh cho thấy thưc trạng sản phẩm dịch vụ TTQT của các CN còn nghèo nàn, chưa tạo ra nhiều sản phẩm, tiện ích cho khách hàng sử dụng, chưa tạo ra tính cạnh tranh cao so với các ngân hàng khác.
Việc mở cửa giao lưu phát triển kinh tế đem lại nhiều sự cạnh tranh khốc liệt đến từ ngân hàng trong nước, đặc biệt là Ngân hàng Vietcombank, Eximbank, BIDV,…và các ngân hàng nước ngoài ở Việt Nam. Các ngân hàng này thường là có nguồn ngoại tệ dồi dào và phong phú, cùng với công nghệ hiện đại, trang thiết bị tân tiến và một đội ngũ nhân viên nhiều kinh nghiệm cộng thêm nhiều chính sách ưu đãi đã và chính sách khách hàng trong hoạt động TTQT. Bên cạnh đó, họ thường có vốn điều lệ lớn nên cho phép các doanh nghiệp vay những khoảng vay lớn, thực hiện các dự án lớn, do đó có điều kiện ràng buộc doanh nghiệp thanh toán qua ngân hàng. Vì vậy, một số khách hàng của Chi nhánh bị thu hút bởi các ngân hàng khác và lượng đặt quan hệ giao dịch với Chi nhánh ngày càng giảm làm cho doanh số hoạt động TTQT trong các năm qua không mấy khả quan
Tình hình kinh tế thế giới cũng như trong nước gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid 19 và chỉ mới thật sự khởi sắc trong thời gian gần đây. Sự suy giảm của nền kinh tế ở những nước đầu tàu đã ảnh hưởng rất lớn với tình hình sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của các doanh nghiệp và cá nhân trong và ngoài nước.Hậu quả là kết quả hoạt động kinh doanh trong các lĩnh vực không mấy khả quan.
Còn tồn tại nhiều bất cập trong cơ chế chính sách của Nhà nước về lĩnh vực thương mại. Chính phủ và các Bộ ngành có liên quan thường xuyên có những thay đổi về danh mục các mặt hàng được phép xuất khẩu vả mức thuế áp dụng đối với từng loại mặt hàng nhưng thời gian kể từ khi ra quyết định đến khi quyết định có hiệu lực thi hành thường là ngắn, không đủ đế các doanh nghiệp thay đổi hoặc sắp xếp các kế hoạch dự định trong hoạt động sản xuất kinh doanh của mình; điều đó phần nào cũng ảnh hưởng đến hoạt động TTQT của ngân hàng
Hoạt động TTQT chủ yếu dựa vào các khách hàng cũ, khách hàng biết đến qua giới thiệu của người thân, của nhân viên khách hàng hoặc đã từng sử dụng các dịch vụ khác của ngân hàng, khách hàng tiềm năng chưa được khai thác triệt để. Ngoài ra, công tác quảng bá và tìm kiếm khách hàng mới – đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và các doanh nghiệp có quy mô lớn, còn nhiều hạn chế và gặp một số khó khan.
1.8 Kết cấu luận văn Luận văn gồm 4 chương:
- Chương 1: Lời mở đầu
- Chương 2: Khung nghiên cứu chất lượng dịch vụ thanh toán quốc tế của ngân hàng thương mại
- Chương 3: Thực trạng chất lượng dịch vụ thanh toán quốc tế tại ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam chi nhánh Lâm Đồng II.
- Chương 4: Giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ thanh toán quốc tế tại ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam chi nhánh Lâm Đồng II
CHƯƠNG 2: CƠ SỞ LÝ THUYẾT VỀ THANH TOÁN QUỐC TẾ VÀ CHẤT LƯỢNG DỊCH VỤ THANH TOÁN QUỐC TẾ CỦA NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI
2.1. Dịch vụ thanh toán quốc tế của Ngân hàng thương mại
2.1.1. Khái niệm thanh toán quốc tế
Thanh toán quốc tế là việc thực hiện các nghĩa vụ chi trả và quyền hưởng lợi về tiền tệ phát sinh trên cơ sở các hoạt động kinh tế và phi kinh tế giữa các tổ chức, cá nhân nước này với tổ chức, cá nhân nước khác, hay giữa một quốc gia với tổ chức quốc tế, thông qua quan hệ giữa các ngân hàng của các nước liên quan.
Vậy thanh toán quốc tế phục vụ không chỉ cho các lĩnh vực hoạt động là kinh tế mà còn cả các hoạt động phi kinh tế. Tuy nhiên, giữa hai lĩnh vực hoạt động này thường giao thoa với nhau và không có ranh giới rõ rệt. Hơn nữa, do hoạt động thanh toán quốc tế được hình thành trên cơ sở hoạt động ngoại thương và phục vụ chủ yếu cho hoạt động ngoại thương, chính vì vậy, trong thực tế tại các NHTM, hoạt động thanh toán quốc tế thường được phân thành hai lĩnh vực rõ ràng là: Thanh toán trong ngoại thương (thanh toán mậu dịch) và Thanh toán phi ngoại thương (thanh toán phi mậu dịch).
Thanh toán quốc tế phát sinh trên cơ sở của hoạt động thương mại quốc tế, nó có tác dụng đòn bẩy làm cho thương mại quốc tế ngày càng phát triển, là yếu tố quan trọng để đánh giá hiệu quả hoạt động kinh tế đối ngoại, là mắt xích không thể thiếu trong dây chuyền hoạt động kinh tế quốc dân.
2.1.2. Đặc điểm của hoạt động thanh toán quốc tế
Khác với hoạt động thanh toán nội địa, trong quan hệ thanh toán quốc tế, không chỉ đòi hỏi các chủ thể tuân thủ những quy định pháp lý quốc gia, mà còn phải tuân thủ cả những quy định pháp lý, các hiệp ước, hiệp định quốc tế, cũng như tập quán và thông lệ ở mỗi nước có quan hệ đối tác.
Thanh toán quốc tế không những sử dụng nội tệ mà còn có sự tham gia của ngoại tệ vì việc thanh toán đã vượt ra ngoài phạm vi một quốc gia và liên quan tới ít nhất 2 quốc gia nên có tới 2 đồng tiền liên quan. Lựa chọn đồng tiền nào là một vấn đề quan trọng, vì không phải bất kỳ đồng tiền của nước nào cũng có khả năng thực hiện TTQT, mà đồng tiền đó phải “mạnh”, được các nước thừa nhận thực hiện trong hoạt động TTQT, tiếp đến lựa chọn đồng tiền nào để phù hợp với nội dung cụ thể của hoạt động TTQT, nhằm mang lại hiệu quả (thanh toán nhanh, hạn chế rủi ro đến mức thấp nhất, đáp ứng được lợi ích của các bên….). Một số đồng tiền thường được lựa chọn sử dụng là USD, EUR, JPY, HKD…
Thanh toán quốc tế là giao dịch thanh toán thực hiện trên cơ sở hàng hoá xuất nhập khẩu, và cung ứng các dịch vụ thương mại cho nước ngoài theo giá cả thị trường quốc tế. Cơ sở để các bên tiến hành mua bán và thanh toán cho nhau là hợp đồng ngoại thương. Khi ký kết các hợp đồng thương mại, tín dụng, hay các dịch vụ, các bên đàm phán thường thống nhất về loại ngoại tệ được dùng trong giao dịch là đồng tiền của nước nhập khẩu, nước xuất khẩu hay nước thứ ba. Bên cạnh đó, việc quy định địa điểm thanh toán, thời gian thanh toán, phương thức và phương tiện thanh toán cũng là những phần không thể thiếu cấu thành nên hợp đồng ngoại thương. Lựa chọn các điều kiện thanh toán quốc tế sao cho thích hợp với từng thương vụ, mối quan hệ giữa các bên hợp đồng… sẽ góp phần hạn chế rủi ro trong thanh toán quốc tế. Theo đó, hệ thống các NHTM cũng sẽ đưa ra các hình thức thanh toán nhằm đáp ứng đầy đủ nhu cầu của các nhà XNK.
Phần lớn việc chi trả trong TTQT được thực hiện thông qua điện tín, mạng SWIFT hoặc qua các uỷ nhiệm thu, chi hộ lẫn nhau giữa các ngân hàng.
Do vậy tỉ lệ trả bằng tiền mặt trong TTQT chiếm một phần không đáng kể.
2.1.3. Các phương thức thanh toán quốc tế của ngân hàng thương mại
Phương thức TTQT là toàn bộ quá trình, điều kiện, qui định để người mua trả tiền và nhận hàng, còn người bán thì giao hàng và nhận tiền theo hợp đồng ngoại thương thông qua hệ thống ngân hàng phục vụ.
Trong quan hệ ngoại thương có rất nhiều phương thức thanh toán khác nhau như chuyển tiền, ghi sổ, nhờ thu, tín dụng chứng từ…Mỗi phương thức thanh toán đều có ưu điểm và nhược điểm, phù hợp với những quan hệ XNK khác nhau. Vì vậy việc lựa chọn phương thức thanh toán thích hợp phải được hai bên bàn bạc thống nhất, ghi trong hợp đồng mua bán ngoại thương.
Đến nay, các phương thức thanh toán cơ bản và phổ biến thường được các NHTM sử dụng là:
2.1.3.1. Phương thức chuyển tiền (Remittance)
Chuyển tiền là phương thức TTQT, trong đó một khách hàng (người có yêu cầu chuyển tiền) yêu cầu ngân hàng phục vụ mình chuyển một số tiền nhất định cho người khác (người hưởng lợi) theo một địa chỉ nhất định và trong một thời gian nhất định.
Phương thức thanh toán chuyển tiền có thể được thực hiện bằng hai hình thức chủ yếu sau:
- Chuyển tiền bằng thư (Mail transfer – M/T): là hình thức chuyển tiền trong đó lệnh thanh toán (Bank draft) của ngân hàng chuyển tiền được thể hiện trong nội dung một bức thư mà ngân hàng này gửi cho ngân hàng trả tiền qua bưu điện.
- Chuyển tiền bằng điện (Telegraphic Transfer – T/T): là hình thức trong đó lệnh thanh toán của ngân hàng chuyển tiền được thể hiện trong nội dung một bức điện gửi cho ngân hàng trả tiền qua telex hoặc thông qua mạng liên lạc viễn thông SWIFT.
Hình thức chuyển tiền bằng điện nhanh, nên có lợi cho nhà xuất khẩu, nhưng chi phí thì cao, còn hình thức chuyển tiền bằng thư thì chậm song chi phí lại thấp.
Các bên tham gia vào quy trình nghiệp vụ chuyển tiền:
- Người chuyển tiền: là người mua (nhà nhập khẩu.)
- Người hưởng lợi: là người bán (nhà xuất khẩu)
- Ngân hàng đại lý: là Ngân hàng bên người xuất khẩu.
- Ngân hàng chuyển tiền.
Sơ đồ quá trình thanh toán bằng chuyển tiền:
Sơ đồ 2.1. Các bước tiến hành phương thức chuyển tiền
Bước (1): Người xuất khẩu thực hiện giao hàng theo hợp đồng, đồng thời chuyển giao bộ chứng từ như: hóa đơn, vận đơn, bảo hiểm đơn… cho nhà nhập khẩu.
Bước (2): Sau khi kiểm tra bộ chứng từ (hoặc hàng hóa), nếu quyết định trả tiền thì nhà nhập khẩu viết lệnh chuyển tiền (bằng M/T hay T/T) gửi ngân hàng phục vụ mình.
Bước (3): Sau khi kiểm tra chứng từ và các điều kiện chuyển tiền, nếu thấy hợp lệ và đủ khả năng thanh toán, ngân hàng thực hiện trích tài khoản để chuyển tiền và gửi giấy báo Nợ cho nhà nhập khẩu.
Bước (4): Ngân hàng chuyển tiền ra lệnh (bằng M/T hay T/T theo yêu cầu của người chuyển tiền) cho ngân hàng đại lý (ngân hàng trả tiền) để chuyển trả cho người thụ hưởng.
Bước (5): Ngân hàng trả tiền ghi Có vào tài khoản của người thụ hưởng đồng thời gửi báo Có cho người thụ hưởng.
- Ưu nhược điểm của phương thức chuyển tiền
Như vậy, thanh toán chuyển tiền là hình thức thanh toán trực tiếp giữa người chuyển tiền và người nhận tiền. Ngân hàng chỉ đóng vai trò trung gian thanh toán theo uỷ nhiệm để được hưởng hoa hồng và không bị ràng buộc gì cả đối với cả người người chuyển tiền và người thụ hưởng.
2.1.3.2. Phương thức nhờ thu (Collections)
Nhờ thu là một phương thức thanh toán, theo đó, bên bán (nhà xuất khẩu) sau khi hoàn thành nghĩa vụ giao hàng hoặc cung ứng một dịch vụ cho khách hàng, uỷ thác cho ngân hàng phục vụ mình xuất trình bộ chứng từ thông qua ngân hàng đại lý cho bên mua (nhà nhập khẩu) để được thanh toán, chấp nhận hối phiếu hay chấp nhận các điều kiện và điều khoản khác.
Trong phương thức nhờ thu, các ngân hàng tham gia vào quá trình thanh toán sâu rộng và toàn diện hơn so với phương thức chuyển tiền. Mức độ tham gia của các ngân hàng vào quá trình nhờ thu phụ thuộc hoàn toàn vào nội dung các chỉ thị và những gì (chứng từ) mà người bán uỷ quyền cho ngân hàng phục vụ mình thu hộ.
- Các loại nhờ thu và qui trình nghiệp vụ
Căn cứ vào nội dung chứng từ được gửi đến ngân hàng nhờ thu mà người ta chia phương thức thanh toán này ra thành hai loại:
Nhờ thu phiếu trơn (Clean collection): Là phương thức thanh toán, trong đó chứng từ nhờ thu chỉ bao gồm chứng từ tài chính (hối phiếu, kỳ phiếu, séc, hoặc các phương tiện tương tự khác sử dụng trong việc chi trả, thanh toán tiền), còn các chứng từ thương mại (chứng từ vận tải, hoá đơn, các chứng từ có tiêu đề hoặc các chứng từ tương tự khác, hoặc bất kỳ chứng từ nào không phải là chứng từ tài chính) được gửi trực tiếp cho người nhập khẩu, không thông qua ngân hàng.
Sơ đồ 2.2. Quy trình nhờ thu phiếu trơn
Chú thích:
- Ký kết hợp đồng mua bán, trong đó điều khoản thanh toán quy định áp dụng phương thức “Nhờ thu phiếu trơn”
- Người ủy thác (nhà xuất khẩu) gửi hàng hóa và bộ chứng từ thương mại trực tiếp cho Người trả tiền (nhà nhập khẩu)
- Người xuất khẩu gửi Đơn yêu cầu nhờ thu gửi cùng chứng từ tài chính cho Ngân hàng nhờ thu để thu tiền từ nhà nhập khẩu.
- Ngân hàng nhờ thu lập và gửi Lệnh nhờ thu cùng chứng từ tài chính tới Ngân hàng thụ hưởng để thu tiền từ nhà nhập khẩu.
- Ngân hàng thụ hưởng thông báo Lệnh nhờ thu để nhà nhập khẩu:
- Trả tiền ngay (séc, kỳ phiếu hay hối phiếu trả ngay); hoặc
- Ký chấp nhận hối phiếu (hối phiếu kỳ hạn); hoặc – Chấp nhận các điều kiện và điều khoản khác.
- Nhà nhập khẩu trả tiền ngay hoặc chấp nhận trả tiền.
- Ngân hàng thụ hưởng chuyển giá trị nhờ thu, hoặc hối phiếu kỳ hạn đã chấp nhận cho Ngân hàng nhờ thu.
- Ngân hàng nhờ thu chuyển trả giá trị nhờ thu, hoặc hối phiếu kỳ hạn đã chấp nhận cho nhà xuất khẩu.
Phương pháp này chỉ áp dụng khi người bán và người mua tin cậy lẫn nhau và có quan hệ chi nhánh hoặc liên doanh với nhau, hoặc chỉ dùng thanh toán phụ phí liên quan đến xuất nhập khẩu mà không cần đến chứng từ kèm theo như : phí vận tải, tiền phạt… Phương thức này không tạo ra đảm bảo cho người bán vì người mua có thể nhận hàng mà trì hoãn trả tiền, hoặc phải trả tiền mà không chắc chắn có nhận được hàng hay không trong trường hợp chứng từ đòi tiền đến trước hàng hoá.
- Nhờ thu kèm chứng từ: Là phương thức thanh toán, trong đó chứng từ gửi đi nhờ thu bao gồm:
(i) hoặc chứng từ thương mại cùng chứng từ tài chính; hoặc (ii) chỉ chứng từ thương mại (không có chứng từ tài chính).
Ngân hàng thu hộ chỉ trao bộ chứng từ cho Người trả tiền sau khi người này đã trả tiền, chấp nhận thanh toán hoặc thực hiện các điều kiện khác quy định trong Lệnh nhờ thu.
Nhờ thu kèm chứng từ mang lại lợi thế cho người mua. Nó an toàn hơn cho người bán, khống chế được việc nhận hàng mà không trả tiền nhưng lại không ngăn được việc họ từ chối hàng hoá và từ chối trả tiền. Lúc đó các chi phí vận chuyển, lưu kho phát sinh sẽ là rủi ro cho người bán. Mặt khác nảy sinh từ việc trì hoãn nhận hàng và trả tiền của người mua gây thiếu vốn lưu động cho nhà sản xuất.
Sơ đồ 2.3. Quy trình nghiệp vụ nhờ thu kèm chứng từ
Chú thích:
- Ký kết hợp đồng mua bán, trong đó điều khoản thanh toán quy định áp dụng phương thức “Nhờ thu kèm chứng từ”
- Người xuất khẩu giao hàng cho người nhập khẩu theo quy định của hợp đồng.
- Người xuất khẩu lập đơn yêu cầu nhờ thu gửi cùng bộ chứng từ (bao gồm chứng từ thương mại cùng chứng từ tài chính, nếu có) tới Ngân hàng thụ hưởng
- Ngân hàng nhờ thu lập Lệnh nhờ thu và gửi cùng bộ chứng từ đến Ngân hàng thụ hưởng.
- Ngân hàng thụ hưởng thông báo Lệnh nhờ thu và xuất trình bộ chứng từ cho người nhập khẩu.
- Người nhập khẩu chấp hành Lệnh nhờ thu
- Ngân hàng thụ hưởng trao bộ chứng từ thương mại cho người nhập khẩu.
- Ngân hàng thụ hưởng chuyển giá trị nhờ thu, hoặc hối phiếu chấp nhận, hoặc kỳ phiếu hay giấy nhận nợ cho Ngân hàng nhờ thu.
- Ngân hàng nhờ thu chuyển trả giá trị nhờ thu, hoặc hối phiếu chấp nhận, hoặc kỳ phiếu hay giấy nhận nợ cho người xuất khẩu.
So với phương thức thanh toán nhờ thu trơn, thì nhờ thu kèm chứng từ đảm bảo quyền lợi cho người xuất khẩu hơn vì đã có sự ràng buộc chặt chẽ giữa việc thanh toán và nhận hàng. Ngân hàng không chỉ là trung gian thu hộ đơn thuần, mà còn tham gia khống chế bộ chứng từ trong thanh toán.
2.1.3.3. Phương thức tín dụng chứng từ
Phương thức tín dụng chứng từ là một sự thoả thuận, trong đó, theo yêu cầu của khách hàng (người yêu cầu mở thư tín dụng) một ngân hàng (ngân hàng phát hành thư tín dụng) sẽ phát hành một bức thư, gọi là thư tín dụng (Letter of credit), theo đó, ngân hàng phát hành cam kết trả tiền hoặc chấp nhận hối phiếu cho một bên thứ ba (người thụ hưởng L/C) khi người này xuất trình cho ngân hàng phát hành một bộ chứng từ thanh toán phù hợp với những điều kiện và điều khoản quy định của L/C.
Trong phương thức chuyển tiền, ngân hàng đơn thuần chỉ thực hiện chức năng chuyển tiền theo yêu cầu của người mua và nhận tiền hộ người bán. Trong nhờ thu, các ngân hàng tham gia xử lý chứng từ do người bán gửi đến và hành động với vai trò là đại lý của người bán. Tuy nhiên, trong phương thức tín dụng chứng từ, các ngân hàng đã tham gia chủ động và tích cực hơn nhiều, theo đó các ngân hàng thực hiện trả tiền theo cam kết của mình.
- Quy trình thanh toán:
Bước 1: Hai bên mua bán ký kết hợp đồng ngoại thương với điều khoản thanh toán theo phương thức L/C
Bước 2: Trên cơ sở các điều khoản và điều kiện của hợp đồng ngoại thương, nhà nhập khẩu làm đơn theo mẫu gửi đến ngân hàng phục vụ mình yêu cầu phát hành một L/C cho người xuất khẩu hưởng.
Bước 3: Căn cứ vào đơn xin mở L/C, nếu đồng ý, NHPH lập L/C và thông qua ngân hàng đại lý của mình ở nước nhà xuất khẩu để thông báo về việc phát hành L/C và chuyển L/C đến người xuất khẩu.
Bước 4: Khi nhận được thông báo L/C, NHTB sẽ thông báo L/C cho nhà xuất khẩu
Bước 5: Nhà xuất khẩu nếu chấp nhận L/C thì tiến hành giao hàng, nếu không thì đề nghị người nhập khẩu thông qua NHPH sửa đổi, bổ sung L/C cho phù hợp với hợp đồng ngoại thương.
Bước 6: Sau khi giao hàng, nhà XK lập bộ chứng từ theo yêu cầu của L/C và xuất trình (thông qua một NH khác) cho NHPH để thanh toán.
Bước 7: NHPH sau khi kiểm tra bộ chứng từ, nếu thấy phù hợp với L/C do mình phát hành thì tiến hành thanh toán cho nhà xuất khẩu; nếu thấy không phù hợp, thì từ chối thanh toán và gửi trả lại toàn bộ và nguyên vẹn bộ chứng từ cho nhà xuất khẩu.
Bước 8: NHPH đòi tiền nhà nhập khẩu và chuyển bộ chứng từ cho nhà nhập khẩu sau khi đã nhận được tiền hoặc chấp nhận thanh toán.
Bước 9: Nhà nhập khẩu kiểm tra bộ chứng từ, nếu thấy phù hợp với L/C thì trả tiền hoặc chấp nhận trả tiền, nếu thấy không phù hợp thì có quyền từ chối trả tiền.
2.2. Chất lượng dịch vụ thanh toán quốc tế của Ngân hàng thương mại
2.2.1. Tổng quan về dịch vụ và chất lượng dịch vụ
Theo kinh tế học thì dịch vụ được hiểu theo nghĩa rộng hơn, đó là bao gồm toàn bộ những ngành có tham gia đóng góp vào tổng sản phẩm quốc nội – GDP hoặc tổng sản phẩm quốc dân – GNP trừ các ngành công nghiệp, nông nghiệp (bao gồm cả lâm nghiệp, ngư nghiệp). Như vậy, theo cách tiếp cận này thì những ngành như vận tải, bưu chính, viễn thông, thương mại, tài chính ngân hàng, du lịch… đều thuộc lĩnh vực dịch vụ. Và thêm vào đó, phạm trù kinh tế cũng coi dịch vụ là sản phẩm của lao động xã hội, được mua bán và trao đổi trên thị trường. Nền sản xuất xã hội được chia thành hai lĩnh vực lớn, đó là sản xuất hàng hoá và sản xuất dịch vụ. Quá trình tạo ra dịch vụ chính là quá trình tương tác giữa ba yếu tố cơ bản gồm khách hàng – người tiếp nhận dịch vụ; cơ sở vật chất và nhân viên phục vụ. Ba yếu tố này có quan hệ chặt chẽ với nhau tạo thành một hệ thống mà trong đó dịch vụ là kết quả của sự tương tác trực tiếp giữa khách hàng, nhân viên phục vụ và cơ sở vật chất.
Như chúng ta đã thấy từ khái niệm trên về dịch vụ thì dịch vụ là một thứ rất trừu tượng cho nên khái niệm chất lượng dịch vụ còn mang tính trừu tượng hơn. Chất lượng dịch vụ được xem xét trên hai góc độ: từ phía nhà cung cấp dịch vụ và từ phía người sử dụng dịch vụ. Chất lượng dịch vụ là một khái niệm gây nhiều chú ý và tranh cãi nhất trong các tài liệu nghiên cứu bởi vì các nhà nghiên cứu gặp nhiều khó khăn trong việc định nghĩa và đo lường chất lượng dịch vụ mà không hề có sự thống nhất nào (Wisniewski, 2001), Chất lượng dịch vụ được định nghĩa bằng nhiều cách khác nhau tuỳ thuộc vào đối tượng nghiên cứu và môi trường nghiên cứu.
Hiện nay có hai quan điểm tiếp cận chất lượng dịch vụ: quan điểm xuất phát từ phía nhà cung cấp và quan điểm xuất phát từ phía khách hàng. Trong phạm vi của luận văn tác giả nghiên cứu chất lượng dịch vụ trên quan điểm của nhà cung cấp dịch vụ.
Khác với đánh giá chất lượng của các sản phẩm hữu hình, việc đánh giá và đo lường chất lượng của dịch vụ hết sức phức tạp. Nếu chất lượng của các sản phẩm hữu hình được xác định dựa trên các thuộc tính kinh tế kỹ thuật của sản phẩm, hoặc khách hàng khi tiêu dùng sản phẩm hữu hình thì mức độ cảm nhận của họ cũng có thể chỉ dựa vào các thuộc tính đó thì đối với dịch vụ khách hàng khi đánh giá chất lượng của dịch vụ mà họ thụ hưởng không thể dựa vào các thuộc tính hữu hình như vậy. Vì vậy, để đánh giá được mức chất lượng của dịch vụ thì phải dựa vào các yếu tố có liên quan và thông qua những gì được gọi là cảm nhận của khách hàng.
Các yếu tố có liên quan có thể là những gì thuộc về cơ sở vật chất như mặt bằng cung ứng dịch vụ, nhà cửa, trang thiết bị. Yếu tố liên quan có thể là những gì thuộc về con người – những người tham gia vào quá trình sáng tạo và cung ứng dịch vụ. Bên cạnh những yếu tố thuộc về cơ sở vật chất và con người, khách hàng còn có thể hài lòng hay không hài lòng với những gì diễn ra xung quanh không gian mà họ đang thụ hưởng dịch vụ- tức là yếu tố môi trường. Môi trường có thể là môi trường tự nhiên, môi trường xã hội, hoặc thậm chí là văn hoá dịch vụ của đơn vị, tổ chức cung ứng dịch vụ.
2.2.2. Chất lượng dịch vụ thanh toán quốc tế
Từ tổng quan chung về chất lượng dịch vụ nêu trên, chúng ta liên hệ đến chất lượng của các dịch vụ mà một ngân hàng cung cấp. Một thực tế là, đối với NHTM hiện đại thì thu nhập từ phí dịch vụ có xu hướng ngày càng tăng không những về số lượng mà cả về tỷ trọng. Hơn nữa, các NHTM ngày nay hoạt động đa năng, tạo ra một dây chuyền kinh doanh khép kín, mỗi nghiệp vụ tạo ra một mắt xích không thể thiếu, trong đó hoạt động thanh toán quốc tế được xác định là nghiệp vụ căn bản, làm tiền đề cho các nghiệp vụ khác phát triển như kinh doanh ngoại tệ, tài trợ xuất nhập khẩu, bảo lãnh ngân hàng trong ngoại thương …
Chất lượng hoạt động TTQT có thể hiểu là giá trị của việc thanh toán mang lại hiệu quả kinh tế và lợi ích cao cho cả ngân hàng và khách hàng Do đó, việc các NHTM chú trọng mở rộng hoạt động thanh toán quốc tế là điều tất yếu trong xu thế phát triển. Không những vậy, trong xu thế cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ như hiện nay, NHTM còn phải không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ thanh toán quốc tế, cải tiến chất lượng dịch vụ cũng như đa dạng hoá các dịch vụ thanh toán quốc tế để đáp ứng tốt nhất nhu cầu của doanh nghiệp, của nền kinh tế.
Để đánh giá chất lượng dịch vụ thanh toán quốc tế của NHTM, người ta thường xem xét cả quá trình cung cấp dịch vụ từ khâu tiếp thị khách hàng, tiếp nhận nhu cầu thanh toán, tư vấn, đến hồ sơ, chứng từ giao dịch, các quy trình tác nghiệp, thời gian thực hiện giao dịch, sự hỗ trợ khách hàng sau giao dịch, chính sách khách hàng, mức độ cạnh tranh của biểu phí áp dụng, hiệu quả của hoạt động TTQT. Tất cả những yếu tố trên được xem xét trên giác độ ngân hàng để tối ưu hoá hoạt động thanh toán quốc tế. Chất lượng dịch vụ thanh toán quốc tế thể hiện tính hiệu quả và khả năng duy trì tính hiệu quả về giác độ ngân hàng.
2.3. Các tiêu chí đánh giá chất lượng dịch vụ thanh toán quốc tế
2.3.1. Thời gian thực hiện giao dịch
Tiêu chí về thời gian thực hiện giao dịch bao gồm thời gian tác nghiệp mà thanh toán viên có thể thực hiện giao dịch thanh toán quốc tế cho khách hàng và thời gian mà ngân hàng có thể cung ứng dịch vụ cho khách hàng. Thời gian tác nghiệp phản ánh mức độ nhanh chóng để thực hiện xong giao dịch thanh toán quốc tế theo yêu cầu của khách hàng. Thời gian thực hiện giao dịch ở đây bao gồm những chuẩn mực của quốc tế quy định cho từng giao dịch và mục tiêu đặt ra của NHTM. Nó được đặt ra cho từng nghiệp vụ thanh toán quốc tế cụ thể và được công khai tới khách hàng để biết, theo dõi và lập kế hoạch thanh toán. Vì vậy, thời gian thực hiện giao dịch càng ngắn thì sẽ giúp khách hàng luân chuyển vốn nhanh, đạt hiệu quả sản xuất kinh doanh, ngân hàng tiết kiệm được chi phí, tăng năng suất lao động, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ thanh toán quốc tế. Thời gian cung ứng dịch vụ tới khách hàng là xét đến khung thời gian mở cửa thực hiện giao dịch thanh toán quốc tế của ngân hàng. Hiện nay có rất nhiểu ngân hàng thực hiện giao dịch 24/24h và 7/7 ngày trong tuần với nhiều hình thức như Internet banking, Mobile banking… Tuy nhiên với dịch vụ thanh toán quốc tế thì hầu hết các ngân hàng chỉ cung ứng trong thời gian hành chính sự nghiệp. Vì vậy mà gây chậm trễ cho khách hàng. Một số ngân hàng mà điển hình là các chi nhánh nước ngoài có khung thời gian cung ứng dịch vụ linh hoạt hơn, có khả năng cạnh tranh tốt hơn các ngân hàng trong nước.
2.3.2. Cơ cấu dịch vụ thanh toán quốc tế
Cơ cấu dịch vụ thanh toán quốc tế là tỷ trọng của từng phương thức thanh toán quốc tế trong tổng doanh số thanh toán quốc tế. Cơ cấu dịch vụ phản ánh tính đa dạng cũng như sự phù hợp với xu hướng phát triển của các dịch vụ ngân hàng quốc tế.
Trước đây khi hoạt động thanh toán quốc tế qua ngân hàng chưa được sử dụng rộng rãi thì phương thức thanh toán tín dụng chứng từ được sử dụng phổ biến và chiếm tỷ trọng lớn trong thanh toán ngoại thương do tính chất của phương thức thanh toán này là đảm bảo quyền lợi cho các bên do có sự tham gia tích cực của các ngân hàng vào quá trình thanh toán. Sau giai đoạn thận trọng ban đầu trong hoạt động ngoại thương của các doanh nghiệp, thì các phương thức thanh toán chuyển tiền bằng điện, nhờ thu… ngày càng được sử dụng phổ biến do ưu điểm của các phương thức này là chi phí thấp và thời gian thực hiện thanh toán ngắn.
Trong xu thế hội nhập ngày càng mạnh mẽ, các chi nhánh ngân hàng nước ngoài hiện nay được phép cung ứng hầu hết các dịch vụ ngân hàng trên lãnh thổ Việt Nam, điều này đã tạo ra sự cạnh tranh mạnh mẽ cho các ngân hàng nội, đặc biệt là cạnh tranh cung cấp các dịch vụ ngân hàng hiện đại. Cơ cấu dịch vụ thanh toán quốc tế theo đó cũng trở nên phong phú và đa dạng hơn và chuyển dịch từ cơ cấu dịch vụ thanh toán truyền thống sang các dịch vụ thanh toán hiện đại, theo chiều sâu, đảm bảo tính bền vững trong dịch vụ thanh toán quốc tế.
2.3.3. Doanh số hoạt động thanh toán quốc tế
Doanh số hoạt động thanh toán quốc tế là tổng doanh số thanh toán xuất nhập khẩu được thực hiện qua ngân hàng thương mại bao gồm tất cả các phương thức được thực hiện như: chuyển tiền, nhờ thu, tín dụng chứng từ…Doanh số hoạt động thanh toán quốc tế thể hiện thị phần, khả năng, sự tín nhiệm của khách hàng đối với ngân hàng. Doanh số thanh toán quốc tế tăng thể hiện thị phần của ngân hàng trong hoạt động thanh toán tăng lên. Doanh số thanh toán quốc tế tăng do sự tín nhiệm của khách hàng đối với ngân hàng trong hoạt động thanh toán tăng và cho thấy chất lượng dịch vụ thanh toán quốc tế cũng tăng lên.
2.3.4. Doanh thu từ hoạt động thanh toán quốc tế
Doanh thu từ hoạt động thanh toán quốc tế là số tiền phí mà ngân hàng thu được khi cung cấp dịch vụ thanh toán quốc tế cho khách hàng. Số tiền phí được tính bằng tỷ lệ phí nhân với doanh số thanh toán. Do đó khi doanh số thanh toán quốc tế tăng lên thì số tiền phí ngân hàng thu được cũng tăng lên. Mỗi ngân hàng có một biểu phí dịch vụ thanh toán quốc tế riêng và mức phí phải mang tính cạnh tranh để thu hút khách hàng.
2.3.5. Lợi nhuận từ hoạt động thanh toán quốc tế
Chỉ tiêu lợi nhuận là chỉ tiêu được quan tâm hàng đầu khi đánh giá hiệu quả của hoạt động kinh doanh. Lợi nhuận từ hoạt động thanh toán quốc tế là hiệu số giữa doanh thu hoạt động TTQT và chi phí TTQT. Chất lượng dịch vụ TTQT được phản ánh thông qua chỉ tiêu lợi nhuận từ hoạt động TTQT. Chất lượng dịch vụ TTQT cao sẽ thu hút được nhiều khách hàng đến với ngân hàng, góp phần tăng doanh số TTQT. Chỉ tiêu lợi nhuận còn phản ánh hiệu quả dịch vụ TTQT thông qua chi phí. Để xác định được lợi nhuận mang lại từ hoạt động TTQT, các ngân hàng phải tính được chi phí phát sinh cho hoạt động này. Hiện nay khi tình hình kinh tế khó khăn, các ngân hàng đang phải nỗ lực tiết kiệm chi phí để nâng cao lợi nhuận.
2.3.6. Số lỗi phát sinh trong quá trình cung cấp dịch vụ thanh toán quốc tế
Trong quá trình cung ứng dịch vụ thanh toán quốc tế cho khách hàng không thể tránh khỏi các lỗi phát sinh. Có thể thống kê các lỗi chủ yếu như thời gian thực hiện giao dịch chậm, không đúng quy định; chuyển nhầm điện, sai số tiền, sai tên người thụ hưởng, sai nội dung giao dịch, lỗi sai sót bộ chứng từ, chuyển nhầm bộ chứng từ, chứng từ bị giả mạo, … Khi các lỗi trên xảy ra sẽ gây ra tổn thất cho ngân hàng và khách hàng, có thể dẫn đến việc khiếu nại của khách hàng. Số vụ khiếu nại càng ít chứng tỏ các giao dịch thanh toán quốc tế được thực hiện nhanh chóng, chính xác, an toàn, hiệu quả như vậy chất lượng TTQT càng cao. Tỷ lệ vụ khiếu nại được tính trên tổng số món thanh toán. Chỉ số này càng nhỏ chất lượng TTQT càng tốt.
Để hạn chế lỗi phát sinh, các ngân hàng cần có một quy trình thanh toán quốc tế chặt chẽ, đội ngũ cán bộ giỏi nghiệp vụ chuyên môn, công tác kiểm tra thường xuyên.
2.4. Các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ thanh toán quốc tế
Các nhân tố tác động tới hoạt động thanh toán quốc tế tại các ngân hàng bao gồm hai nhóm nhân tố chính. Đó là các nhân tố khách quan và các nhân tố chủ quan( được hiểu theo hai góc độ: Góc độ ngân hàng góc độ khách hàng)
2.4.1. Các nhân tố khách quan
Nhóm các nhân tố khách quan bao gồm các nhân tố bên ngoài ngân hàng tác động đến chất lượng dịch vụ thanh toán quốc tế, đó là nhân tố khách hàng và các nhân tố thuộc môi trường vĩ mô như môi trường kinh tế, môi trường pháp luật, môi trường chính trị…
2.4.1.1. Nhân tố khách hàng
Tình hình tài chính của doanh nghiệp XNK: Tình hình tài chính của doanh nghiệp xuất nhập khẩu có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo khả năng thanh toán của doanh nghiệp đối với ngân hàng. Khi ngân hàng phát hành thanh toán cho nhà xuất khẩu, mà nhà nhập khẩu rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán thì hiển nhiên ngân hàng sẽ gặp rủi ro tín dụng – ngân hàng không thu được tiền thanh toán từ nhà nhập khẩu.
Khả năng về hiểu biết về hoạt động ngoại thương của doanh nghiệp như: khi ký hợp đồng ngoại thương có những điều không phù hợp với điều kiện trong L/C, vì vậy dẫn đến sửa chữa L/C nhiều lần, một mặt làm châm quá trình thanh toán đồng thời còn làm tăng chi phí. Khách hàng còn kém về các trình tự trong nghiệp vụ TTQT, dẫn tới mắc những lỗi: điền sai quy cách, không biết phải làm những thủ tực gì, khi chứng từ có sai xót cũng không biết phải sửa chữa như thế nào….
2.4.1.2. Môi trường vĩ mô
- Môi trường kinh tế
Các nhân tố thuộc về môi trường kinh tế ảnh hưởng đến hoạt động thanh toán quốc tế đó là: Sự tăng trưởng nền kinh tế, mức độ mở cửa của nền kinh tế tăng dần qua các năm, sự linh hoạt, mức độ mở cửa và độ liên kết của thị trường tài chính trong nước với thị trường tài chính quốc tế. Nền kinh tế tăng trưởng thường xuyên sẽ thúc đẩy hoạt động thanh toán quốc tế phát triển. Các doanh nghiệp tiến hành hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu thường rất chú trọng tới yếu tố tỷ giá hối đoái. Sự lên xuống của tỷ giá hối đoái ảnh hưởng tới nhiều hoạt động trong nền kinh tế trong đó có hoạt động thanh toán quốc tế.
- Môi trường chính trị
Các doanh nghiệp luôn muốn tìm kiếm thị trường ổn định về chính trị để tiến hành hoạt động kinh doanh, vì môi trường chính trị ổn định sẽ giảm bớt rủi ro cho doanh nghiệp khi tiến hành kinh doanh tại thị trường này. Môi trường chính trị ổn định sẽ giúp quốc gia tiến hành xuất nhập khẩu dễ dàng hơn, điều này sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động thanh toán quốc tế phát triển. Ngược lại, môi trường chính trị không ổn định sẽ gây nhiều rủi ro cho doanh nghiệp do vậy kém hấp dẫn các doanh nghiệp, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của ngân hàng.
- Môi trường luật pháp
Một hành lang pháp lý chặt chẽ là cơ sở để các doanh nghiệp có thể bảo đảm hoạt động kinh doanh của mình. Nếu hành lang pháp lý không chặt chẽ có thể gây khó khăn cho doanh nghiệp khi tiến hành kinh doanh tại quốc gia đó.Điều này sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh dịch vụ thanh toán quốc tế tại ngân hàng
2.4.2. Các nhân tố chủ quan
Nhóm các nhân tố chủ quan gồm các nhân tố như quy mô hoạt động của ngân hàng, chiến lược kinh doanh của ngân hàng, uy tín của ngân hàng, trình độ các thanh toán viên,… qua việc phân tích các nhân tố này sẽ tìm ra giải pháp nhằm phát huy các điểm mạnh và hạn chế các điểm yếu của hoạt động thanh toán quốc tế tại ngân hàng.
2.4.2.1. Quy mô hoạt động của ngân hàng:
Nếu ngân hàng có quy mô hoạt động lớn, có uy tín trên thị trường sẽ tạo niềm tin cho khách hàng khi sử dụng dịch vụ thanh toán quốc tế tại ngân hàng này, do vậy hoạt động thanh toán quốc tế tại ngân hàng sẽ phát triển hơn. Ngược lại, nếu một ngân hàng có quy mô nhỏ bé, khách hàng ít biết đến thì sẽ rất khó tạo niềm tin cho khách hàng, đặc biệt là những khách hàng nước ngoài, điều này sẽ gây khó khăn rất lớn trong việc thực hiện hoạt động thanh toán quốc tế.
2.4.2.2. Chiến lược kinh doanh của ngân hàng
Việc ngân hàng lựa chọn chiến lược kinh doanh như thế nào cũng ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển hoạt động thanh toán quốc tế. Nếu ngân hàng chỉ lựa chọn chiến lược nhằm hướng vào việc phục vụ các hoạt động thanh toán trong nước thì cũng gây khó khăn trong việc tiến hành hoạt động thanh toán quốc tế. Còn nếu ngân hàng chú trọng đến phát triển các dịch vụ phục vụ cho kinh doanh quốc tế thì sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thanh toán quốc tế phát triển.
2.4.2.3. Năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác thanh toán quốc tế
Cán bộ làm công tác thanh toán quốc tế phải là người có nghiệp vụ, nắm bắt thông tin nhanh nhạy, có đầy đủ kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, có khả năng tư vấn cho khách hàng về những phương thức thanh toán mà khách hàng có thể áp dụng phù hợp trong từng trường hợp. Cán bộ thanh toán quốc tế là người trực tiếp kiểm tra bộ chứng từ, do đó cần phải có kinh nghiệm, có chuyên môn mới có thể phát hiện ra những điều chưa hợp lý, bảo vệ quyền lợi của khách hàng làm tăng uy tín của ngân hàng, từ đó có thể tăng khả năng cạnh tranh của ngân hàng trên thị trường quốc tế.
Trình độ chuyên môn của thanh toán viên có tính quyết định đến sự nhanh chóng, chính xác, an toàn, hiệu quả của thanh toán quốc tế tức là chất lượng dịch vụ thanh toán quốc tế. Khách hàng khi sử dụng dịch vụ thanh toán quốc tế luôn trông đợi được phục vụ nhanh chóng, chính xác để giao dịch thanh toán được hoàn tất. Nhà xuất khẩu thì nhanh chóng được nhận tiền bán hàng, xoay vòng vốn kinh doanh. Nhà nhập khẩu thanh toán tiền, nhận hàng kịp tiến độ sản xuất kinh doanh và đảm bảo uy tín với bạn hàng. Thanh toán viên nắm vững nghiệp vụ, có kinh nghiệm, giỏi ngoại ngữ, am hiểu nghiệp vụ ngoại thương thì có khả năng tư vấn tốt, tốc độ xử lý giao dịch cao, thao tác nghiệp vụ nhanh, đảm bảo được độ chính xác của giao dịch. Vì vậy, chất lượng dịch vụ thanh toán quốc tế sẽ cao, ngược lại trình độ chuyên môn yếu thì chất lượng thấp hoặc không đảm bảo. Trình độ chuyên môn của thanh toán viên hiện nay là vấn đề được các ngân hàng quan tâm và đầu tư do tính quyết định của nó về chất lượng dịch vụ thanh toán quốc tế bằng rất nhiều biện pháp như cử đào tạo trong nước, nước ngoài, tham gia hội thảo…
2.4.2.4. Nền tảng công nghệ thông tin
Đây là yếu tố rất quan trọng trong hoạt động thanh toán quốc tế. Nền tảng công nghệ thông tin hiện đại sẽ giúp ngân hàng có thể thực hiện nhanh quá trình thanh toán cho khách hàng, đảm bảo được lợi ích của khách hàng. Mặt khác nền tảng công nghệ thông tin hiện đại còn giúp cho ngân hàng có thể bảo mật được thông tin của khách hàng được tốt hơn.
2.4.2.5. Các nghiệp vụ hỗ trợ khác
Các nghiệp vụ hỗ trợ như mua bán ngoại tệ, bảo lãnh ngân hàng, tài trợ xuất nhập khẩu rõ ràng góp phần không nhỏ vào chất lượng dịch vụ thanh toán quốc tế của một NHTM. Khách hàng sẽ cảm thấy hài lòng khi nhu cầu mua, bán ngoại tệ phục vụ cho việc nhập hàng, xuất hàng của mình được đáp ứng nhanh chóng với thủ tục nhanh gọn và tỷ giá chấp nhận được. Hoặc khi khách hàng đã ký được hợp đồng với đối tác nước ngoài nhưng chưa có đủ tiền thanh toán, thiếu vốn để sản xuất hàng, đối tác yêu cầu bảo lãnh thanh toán, bảo lãnh thực hiện hợp đồng mà nhận được sự hỗ trợ từ phía ngân hàng thông qua các nghiệp vụ bảo lãnh, tài trợ xuất nhập khẩu. Nó sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng thực hiện giao dịch, tiết kiệm thời gian và chi phí.
TÓM TẮT CHƯƠNG 2
Hệ thống những vấn đề cơ bản về TTQT: khái niệm, nội dung các phương thức TTQT của NHTM.
Xây dựng hệ thống các chỉ tiêu định tính định lượng để đánh giá chất lượng TTQT.
Đưa ra các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng TTQT.
Thông qua những nội dung mang tính lý luận này, chuyên đề có cơ sở để đánh giá thực tiễn chất lượng hoạt động TTQT, từ đó tìm ra những hạn chế và nguyên nhân ảnh hưởng đến chất lượng TTQT.
Chất lượng dịch vụ thanh toán quốc tế được đánh giá qua các tiêu chí như sau: dựa trên góc độ khách hàng, và góc độ ngân hàng.
Dịch Vụ Viết Luận Văn 24/7 Chuyên cung cấp dịch vụ làm luận văn thạc sĩ, báo cáo tốt nghiệp, khóa luận tốt nghiệp, chuyên đề tốt nghiệp và Làm Tiểu Luận Môn luôn luôn uy tín hàng đầu. Dịch Vụ Viết Luận Văn 24/7 luôn đặt lợi ích của các bạn học viên là ưu tiên hàng đầu. Rất mong được hỗ trợ các bạn học viên khi làm bài tốt nghiệp. Hãy liên hệ ngay Dịch Vụ Viết Luận Văn qua Website: https://hotrovietluanvan.com/ – Hoặc Gmail: hotrovietluanvan24@gmail.com