Luận văn: PPNC yếu tố ảnh hưởng động lực làm việc nhân viên

Đánh giá post

Các yếu tố ảnh hưởng đến động lực làm việc của nhân viên công ty du lịch Sài Gòn TNHH – MTV

3.1 Quy trình nghiên cứu

Từ các mục tiêu cụ thể của vấn đề nghiên cứu, trên cơ sở lý luận khoa học của đề tài, tác giả thực hiện quy trình nghiên cứu gồm hai phương pháp chính là nghiên cứu định tính và nghiên cứu định lượng, quy trình được thể hiện trong hình 3.1.

3.2 Nghiên cứu định tính

Nghiên cứu định tính được thực hiện bằng hình thức thảo luận nhóm dưới sự điều hành của người nghiên cứu bằng dàn bài thảo luận nhóm (Xem Phụ lục 1), nhằm tham khảo ý kiến của chuyên gia để góp ý về các biến độc lập, biến phụ thuộc cho mô hình nghiên cứu, các biến quan sát và xây dựng thang đo.

Nghiên cứu định tính là bước quan trọng nhằm xây dựng thang đo ban đầu với các thành phần tác động đến động lực làm việc, dựa trên cơ sở nghiên cứu trước đây của các tác giả trong và ngoài nước. Từ đó, tác giả xây dựng bảng câu hỏi phỏng vấn sao cho phù hợp về văn hóa ở Việt Nam nói chung và Saigontourist nói riêng.

Kết quả thảo luận nhóm (xem Phụ lục 2) là cơ sở để hiệu chỉnh, phát triển thang đo ban đầu và hoàn thiện bảng câu hỏi. Mục đích của quá trình thảo luận nhóm nhằm đánh giá mức độ hoàn chỉnh về mặt nội dung và hình thức của các phát biểu (các câu hỏi là các biến quan sát của từng nhân tố) trong thang đo ban đầu và khả năng cung cấp thông tin của người được phỏng vấn. Trong đó, việc đánh giá nội dung được thể hiện qua các khía cạnh như người được phỏng vấn có hiểu rõ nội dung các câu hỏi, có thông tin để trả lời các câu hỏi và có sẵn sàng cung cấp thông tin hay không. Việc đánh giá về mặt hình thức để kiểm tra mức độ phù hợp về mặt từ ngữ, cú pháp được sử dụng trong các phát biểu nhằm đảm bảo tính thống nhất, rõ ràng và không gây nhầm lẫn cho người được phỏng vấn.

Đối tượng tham gia thảo luận nhóm gồm có 07 người: 01 giảng viên chuyên ngành, 03 cán bộ quản lý, 03 nhân viên Saigontourist. Kết quả nghiên cứu định tính bằng kỹ thuật thảo luận nhóm, tác giả đã điều chỉnh thang đo và có được thang đo ban đầu với 32 biến quan sát và 07 khái niệm nghiên cứu (06 biến độc lập và 01 biến phụ thuộc) cần đo lường.

3.3 Nghiên cứu định lượng

3.3.1 Chọn mẫu

3.3.1.1 Kích thước mẫu

Cỡ mẫu tối thiểu áp dụng trong các nghiên cứu thực hành là từ 150 – 200 quan sát (Roger, 2006). Còn theo Hair, Anderson, Tatham và Black (1998) đối với phân tích nhân tố khám phá kích thước mẫu tối thiểu là gấp 5 lần tổng số biến quan sát. Đây là cỡ mẫu phù hợp cho nghiên cứu có sử dụng phân tích nhân tố (Comrey, 1973; Roger, 2006). Trong đề tài này có tất cả là 32 biến quan sát cần tiến hành phân tích nhân tố, vì vậy số mẫu khảo sát tối thiểu cần thiết là 32 x 5 = 160 quan sát.

Theo Tabachnick và Fidell (1996), đối với phân tích hồi quy đa biến thì cỡ mẫu tối thiểu cần đạt được tính theo công thức là n = 50 + 8m ( với m là số biến độc lập). Trong nghiên cứu này có tất cả là 06 biến độc lập cần tiến hành phân tích hồi quy, vì vậy số mẫu khảo sát tối thiểu cần thiết là 50 + 8 x 6 = 98 quan sát.

Tóm lại, khi lựa chọn số lượng mẫu phải thỏa các công thức trên và nguyên tắc là thà dư còn hơn thiếu nên tác giả lựa chọn cỡ mẫu lớn nhất cần thiết là 200 quan sát. Kích thước mẫu này sẽ là cơ sở để chuẩn bị số lượng sẽ khảo sát. Để phòng có những sai sót trong thu thập dữ liệu và đạt được kích thước mẫu đề ra thì tác giả tiến hành gửi link khảo sát đến 250 nhân viên Saigontourist.

3.3.1.2 Phương pháp chọn mẫu

Tổng thể đối tượng khảo sát của nghiên cứu là tất cả những nhân viên đang làm việc tại Saigontourist. Do đó, số lượng nhân viên rất nhiều, khó phân nhóm nên tác giả lựa chọn phương pháp chọn mẫu của nghiên cứu là phương pháp thuận tiện.

Qua quá trình khảo sát, 250 nhân viên Saigontourist đã được thu thập thông tin về đánh giá các yếu tố tác động đến động lực làm việc của nhân viên Saigontourist. Những số phiếu khảo sát hợp lệ, có thể sử dụng để phân tích trong nghiên cứu là 238 phiếu khảo sát.

3.3.2 Phương pháp thu thập thông tin

Thu thập số liệu thứ cấp: Các số liệu được thu thập từ các tài liệu đã công bố như số liệu thống kê của Sở Du lịch TP.HCM và Tổng Cục Du Lịch Việt Nam. Số liệu từ các số liệu báo cáo, kế hoạch của phòng, ban chuyên môn tại Saigontourist, số liệu từ các nguồn trên báo và tạp chí, v.v.

Thu thập số liệu sơ cấp: thiết kế bảng câu hỏi dựa trên thang đo Likert 5 điểm nhằm đánh giá mức độ quan trọng của các yếu tố tác động đến động lực làm việc của nhân viên Saigontourist. Các bảng khảo sát được gửi đến đối tượng nghiên cứu được thực hiện thông qua liên kết trên Google Form.

3.3.3 Phương pháp xử lý thông tin

Dựa vào số liệu thứ cấp và sơ cấp thu thập được, tác giả tiến hành các phân tích thống kê mô tả, phân tích độ tin cậy thang đo thông qua hệ số Cronbach’s Alpha, phân tích nhân tố khám phá EFA, phân tích hồi qui và kiểm định các giả thuyết với sự hỗ trợ của phần mềm xử lý thống kê SPSS 25.

3.4 Xây dựng thang đo

Các biến quan sát của nghiên cứu được đo lường bằng thang đó Likert 5 điểm với (1) Hoàn toàn không đồng ý, (2) Không đồng ý, (3) Trung lập, (4) Đồng ý, (5) Hoàn toàn đồng ý.

3.4.1 Thang đo Điều kiện làm việc

Điều kiện làm việc được bao gồm 4 biến quan sát được phát triển từ thang đo trong các nghiên cứu của các tác giả Trần Ngọc Quyền (2015), Hà Nam Khánh Giao và Nguyễn Quốc Lộc (2016), Sari và cộng sự (2019), Lê Tấn Luân (2021), Atan và cộng sự (2021) và có sự điều chỉnh của tác giả dựa trên kết quả thảo luận nhóm (phụ lục 2, 3).

Bảng 3.1 Thang đo Điều kiện làm việc

Ký hiệu Thang đo chính thức Nguồn
DK1 Nội quy doanh nghiệp quy định các điều khoản rõ ràng. Trần Ngọc Quyền (2015)

Atan và cộng sự (2021)

( Có sự điều chỉnh của tác giả )

DK2 Môi trường làm việc tốt: sạch sẽ, thoáng mát, không độc hại. Trần Ngọc Quyền (2015)

Sari và cộng sự (2019)

( Có sự điều chỉnh của tác giả )

DK3 Trang bị đủ thiết bị, công cụ, dụng cụ cho nhân viên. Trần Ngọc Quyền (2015)

Hà Nam Khánh Giao và Nguyễn

Quốc Lộc (2016)

(Có sự điều chỉnh của tác giả)

DK4 Ban lãnh đạo luôn quan tâm cải thiện môi trường và phương tiện làm việc. Trần Ngọc Quyền (2015)

Atan và cộng sự (2021)

(Có sự điều chỉnh của tác giả)

(Nguồn: Kết quả nghiên cứu định tính)

3.4.2 Thang đo Thu nhập và phúc lợi

Thu nhập và phúc lợi gồm 4 biến quan sát được xây dựng dựa trên thang đo trong nghiên cứu của các tác giả Trần Ngọc Quyền (2015), Sari và cộng sự (2019), Phạm Ngọc Dũng (2021), Atan và cộng sự (2021) và có sự điều chỉnh của tác giả.

Bảng 3.2 Thang đo Thu nhập và phúc lợi

Ký hiệu Thang đo chính thức Nguồn
TN1 Lương, thưởng tương xứng với đóng góp của mình. Trần Ngọc Quyền (2015)

Sari và cộng sự (2019)

( Có sự điều chỉnh của tác giả ) 

TN2 Mức lương, thưởng công bằng giữa các nhân viên. Trần Ngọc Quyền (2015)

Phạm Ngọc Dũng (2021)

( Có sự điều chỉnh của tác giả ) 

TN3 Cách thức trả lương của doanh nghiệp là hoàn toàn hợp lý, đúng thời hạn. Trần Ngọc Quyền (2015)

Atan và cộng sự (2021)

Phạm Ngọc Dũng (2021)

(Có sự điều chỉnh của tác giả)

TN4 Chính sách phúc lợi thể hiện được sự quan tâm đến nhân viên. Trần Ngọc Quyền (2015)

Phạm Ngọc Dũng (2021)

( Có sự điều chỉnh của tác giả )

(Nguồn: Kết quả nghiên cứu định tính)

3.4.3 Thang đo Bản chất và đặc điểm công việc

Bản chất và đặc điểm công việc bao gồm 4 biến quan sát được xây dựng dựa trên thang đo trong các nghiên cứu của các tác giả Breiter và cộng sự (2002), Trần Kim Dung và Nguyễn Ngọc Lan Vy (2011), DiPietro và cộng sự (2014), Trần Ngọc Quyền (2015), Hà Nam Khánh Giao và Nguyễn Quốc Lộc (2016), Atan và cộng sự (2021) và có sự điều chỉnh của tác giả dựa trên kết quả thảo luận nhóm (phụ lục 2).

Bảng 3.3 Thang đo Bản chất và đặc điểm công việc

Ký hiệu Thang đo chính thức Nguồn
BC1 Công việc thú vị và có tính thử thách. Trần Ngọc Quyền (2015)

Hà Nam Khánh Giao và Nguyễn Quốc Lộc (2016)

Atan và cộng sự (2021)

(Có sự điều chỉnh của tác giả)

BC2 Công việc phù hợp với trình độ chuyên môn. Trần Kim Dung và Nguyễn Ngọc Lan Vy (2011)

( Có sự điều chỉnh của tác giả )

BC3 Công việc ổn định. Breiter và cộng sự (2002)

Trần Ngọc Quyền (2015)

DiPietro và cộng sự (2014)

(Có sự điều chỉnh của tác giả)

BC4 Nhân viên có sự tự chủ trong công việc và có quyền hạn tương ứng với trách nhiệm. Trần Kim Dung và Nguyễn Ngọc Lan Vy (2011)

(Có sự điều chỉnh của tác giả)

(Nguồn: Kết quả nghiên cứu định tính)

3.4.4 Thang đo Các mối quan hệ công việc

Các mối quan hệ công việc bao gồm 5 biến quan sát được phát triển từ thang đo trong nghiên cứu của tác giả Trần Kim Dung và Nguyễn Ngọc Lan Vy (2011), Trần Ngọc Quyền (2015), Hà Nam Khánh Giao và Nguyễn Quốc Lộc (2016), Sari và cộng sự (2019), Atan và cộng sự (2021), Lê Tấn Luân (2021) và có sự điều chỉnh của tác giả dựa trên kết quả thảo luận nhóm (nội dung chi tiết ở phụ lục 2, 3).

Bảng 3.4 Thang đo Các mối quan hệ công việc

Ký hiệu Thang đo chính thức Nguồn
QH1 Được cấp trên và đồng nghiệp tôn trọng và tin cậy. Trần Kim Dung và Nguyễn

Ngọc Lan Vy (2011)

(Có sự điều chỉnh của tác giả)

QH2 Được cấp trên và đồng nghiệp giúp đỡ, hướng dẫn, tư vấn khi cần thiết để giải quyết các vấn đề cá nhân, công việc.
QH3 Mọi người phối hợp làm việc. Trần Kim Dung và Nguyễn

Ngọc Lan Vy (2011)

Sari và cộng sự (2019)

Atan và cộng sự (2021)

Lê Tấn Luân (2021)

(Có sự điều chỉnh của tác giả)

QH4 Cấp trên luôn lắng nghe ý kiến của nhân viên. Trần Ngọc Quyền (2015) (Có sự điều chỉnh của tác giả)
QH5 Cấp trên đối xử công bằng với nhân viên. Trần Ngọc Quyền (2015)

Hà Nam Khánh Giao và Nguyễn Quốc Lộc (2016)

(Có sự điều chỉnh của tác giả)

(Nguồn: Kết quả nghiên cứu định tính)

3.4.5 Thang đo Cơ hội thăng tiến và phát triển

Cơ hội thăng tiến và phát triển gồm 5 biến quan sát được xây dựng dựa trên thang đo từ các nghiên cứu của tác giả Trần Kim Dung và Nguyễn Ngọc Lan Vy (2011), Trần Ngọc Quyền (2015) và đã có sự điều chỉnh của tác giả dựa trên kết quả thảo luận nhóm (nội dung chi tiết ở phụ lục 2, 3).

Bảng 3.5 Thang đo Cơ hội thăng tiến và phát triển

Ký hiệu Thang đo chính thức Nguồn
TT1 Các nhân viên có cơ hội thăng tiến công bằng. Trần Ngọc Quyền (2015) (Có sự điều chỉnh của tác giả)
TT2 Được biết các điều kiện cần thiết để được thăng tiến.
TT3 Được kích thích để sáng tạo trong thực hiện công việc.
TT4 Cơ hội phát triển cá nhân. Trần Ngọc Quyền (2015) Trần Kim Dung và Nguyễn Ngọc Lan Vy (2011)

(Có sự điều chỉnh của tác giả)

TT5 Các chương trình đào tạo được tổ chức thường xuyên. Trần Ngọc Quyền (2015) (Có sự điều chỉnh của tác giả)

(Nguồn: Kết quả nghiên cứu định tính)

3.4.6 Thang đo Tinh thần lạc quan

Tinh thần lạc quan gồm 6 biến quan sát được xây dựng dựa trên thang đo từ các nghiên cứu của nhóm tác giả Hà Nam Khánh Giao và cộng sự (2020) và đã có sự điều chỉnh của tác giả dựa trên kết quả thảo luận nhóm (chi tiết ở phụ lục 2, 3).

Bảng 3.6 Thang đo Tinh thần lạc quan

Ký hiệu Thang đo chính thức Nguồn
LQ1 Tôi mong đợi những điều thú vị trong công việc hơn là khó khăn. Hà Nam Khánh Giao và cộng sự (2020)

(Có sự điều chỉnh của tác giả)

LQ2 Tôi lạc quan về những gì sẽ xảy ra với tôi trong tương lai.
LQ3 Tôi mong mọi việc diễn ra thuận lợi cho việc đạt được mục tiêu.
LQ4 Tôi có thể đạt trạng thái thư giãn dễ dàng.
LQ5 Nếu có cảm giác bất an khi thực hiện công việc, tôi sẽ dừng nó và thực hiện trong lúc khác.  
LQ6 Khi không chắc chắn về điều gì, tôi thường hi vọng những điều tốt đẹp sẽ đến.

(Nguồn: Kết quả nghiên cứu định tính)

3.4.7 Thang đo Động lực làm việc

Động lực làm việc được xây dựng với 3 biến quan sát được phát triển từ thang đo trong nghiên cứu của tác giả Trần Kim Dung và Nguyễn Ngọc Lan Vy (2011) và có sự điều chỉnh dựa trên kết quả thảo luận nhóm (phụ lục 2) của tác giả.

Bảng 3.7 Thang đo Động lực làm việc

Ký hiệu Thang đo chính thức Nguồn
DL1 Tôi luôn cảm thấy hứng thú khi làm công việc hiện tại. Trần Kim Dung và Nguyễn

Ngọc Lan Vy (2011)

(Có sự điều chỉnh của tác giả)

DL2 Tô i cảm thấy được động viên trong công việc.
DL3 Tôi thường làm việc với tâm trạng tốt nhất.
DL4 Tôi yêu thích công việc hiện tại. Tác giả đề xuất dựa trên kết quả nghiên cứu định tính.

(Nguồn: Kết quả nghiên cứu định tính)

3.5 Phân tích dữ liệu khảo sát

3.5.1 Đánh giá độ tin cậy của thang đo bằng hệ số Cronbach’s Alpha

Những mục hỏi đo lường cùng một khái niệm tiềm ẩn thì phải có mối liên quan với những cái còn lại trong nhóm đó. Hệ số Cronbach’s Alpha là một phép kiểm định thống kê về mức độ chặt chẽ mà các mục hỏi trong thang đo tương quan giữa bản thân các biến và tương quan điểm số của từng biến với điểm số toàn bộ các biến. Phương pháp này cho phép người phân tích loại bỏ các biến không phù hợp và hạn chế các biến rác trong quá trình nghiên cứu và đánh giá độ tin cậy của thang đo thông qua hệ số Cronbach’s Alpha.

Khi kiểm định độ tin cậy của thang đo bằng hệ số Cronbach’s Alpha, nghiên cứu chú trọng đến một số tiêu chuẩn sau: Nếu một hệ số tương quan của một biến quan sát so với biến tổng lớn hơn hoặc bằng 0,3 là đạt yêu cầu (Nunnally và Bernstein, 1994). Những biến có hệ số tương quan biến tổng (item-total correlation) nhỏ hơn 0,3 sẽ bị loại. Thang đo có hệ số Cronbach’ alpha từ 0,6 trở lên là có thể chấp nhận được về độ tin cậy (Nguyễn Đình Thọ, 2012). Thông thường, thang đo có Cronbach’s Alpha trong khoảng từ 0,7 đến 0,8 là có độ tin cậy tốt. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng khi thang đo có độ tin cậy từ 0,8 trở lên đến gần 1 là thang đo lường tốt

(Nguyễn Đình Thọ, 2012).

3.5.2 Phân tích nhân tố khám phá

Phân tích nhân tố khám phá (Exploratory Factor Analysis) là tên chung của một nhóm các thủ tục được sử dụng chủ yếu để thu nhỏ và tóm tắt dữ liệu, phương pháp này rất có ích cho việc xác định các tập hợp biến cần thiết cho vấn đề nghiên cứu và được sử dụng để tìm mối quan hệ giữa các biến với nhau.

Hệ số KMO có giá trị 0,5 ≤ KMO ≤ 1 (Kaiser-Meyer-Olkin) là chỉ số được dùng để xem xét sự thích hợp của phân tích nhân tố. Thông thường mức chấp nhận của hệ số KMO là từ 0,6 trở lên (Nguyễn Đình Thọ, 2012). Kiểm định Bartlett là một đại lượng thống kê dùng để xem xét giả thuyết các biến không có tương quan trong tổng thể. Nếu kiểm định này có ý nghĩa thống kê (Sig. > 0,05) thì các biến quan sát có mối tương quan với nhau trong tổng thể.

Quan hệ giữa các nhóm biến có liên hệ qua lại lẫn nhau được xem xét dưới dạng một số các nhân tố cơ bản. Mỗi một biến quan sát sẽ được tính một tỷ số gọi là hệ số tải nhân tố (Factor Loading). Hệ số này sẽ cho người nghiên cứu biết được mỗi biến đo lường sẽ thuộc về những nhân tố nào.

Trong phân tích nhân tố, hệ số tải nhân tố của từng biến quan sát phải có giá trị lớn hơn 0,5, điểm dừng khi Eigenvalue (đại diện cho phần biến thiên được giải thích bởi mỗi nhân tố) lớn hơn 1 và tổng phương sai dùng để giải thích từng nhân tố lớn hơn 50% mới thỏa yêu cầu phân tích nhân tố (Nguyễn Đình Thọ, 2012).

Về mặt tính toán, phân tích nhân tố giống phân tích hồi quy bội ở chỗ mỗi biến được biểu diễn như là một kết hợp tuyến tính của các nhân tố cơ bản. Lượng biến thiên của một biến được giải thích bởi những nhân tố chung trong phân tích. Biến thiên chung của các biến được mô tả bằng một số ít các nhân tố chung cộng với một nhân tố đặc trưng cho mỗi biến. Những nhân tố này không bộc lộ rõ ràng.

Nguyên tắc này được áp dụng như vậy để tiếp tục chọn quyền số cho các nhân tố tiếp theo. Do vậy, các nhân tố được ước lượng sao cho các quyền số của chúng, không giống như các giá trị của các biến gốc, là không tương quan với nhau. Hơn nữa, nhân tố thứ nhất giải thích được nhiều nhất biến thiên của dữ liệu, nhân tố thứ hai giải thích được nhiều thứ nhì, v.v. Việc giải thích các nhân tố được thực hiện trên cơ sở nhận ra các biến có hệ số tải lớn ở cùng một nhân tố. Như vậy, nhân tố này có thể được giải thích bằng các biến có hệ lớn đối với bản thân nó.

3.5.3 Phân tích hồi quy

Phân tích hồi quy tuyến tính được sử dụng để kiểm định tác động của các biến độc lập đến biến phụ thuộc. Nghiên cứu được thực hiện phân tích hồi quy theo phương pháp Enter, tất cả các biến được đưa vào một lần và xem xét các kết quả thống kê liên quan (Hoàng Trọng và Chu Nguyễn Mộng Ngọc, 2008). Phân tích hồi quy được thực hiện qua quy trình sau:

  • Phân tích tương quan bằng cách xem xét ma trận hệ số tương quan
  • Đánh giá và kiểm định độ phù hợp của mô hình
  • Xác định tầm quan trọng của các biến bằng hệ số Beta chuẩn hóa
  • Dò tìm sự vi phạm các giả thuyết (giả định liên hệ tuyến tính và hiện tượng phương sai thay đổi, phần dư không có phân phối chuẩn, hiện tượng đa cộng tuyến, hiện tượng tự tương quan).

3.5.4 Kiểm định sự khác biệt của giá trị trung bình

Các biến định tính được thực hiện kiểm định giá trị trung bình để so sánh sự khác biệt giữa các giá trị trong từng biến định tính. Đối với các biến định tính có 2 giá trị thường được thực hiện kiểm định Independent Sample T-test (gọi tắt là kiểm định T-test) và đối với các biến định tính có từ 3 giá trị trở lên thường được thực hiện phân tích one-way ANOVA.

3.5.4.1 Kiểm định T-test

Mô hình T-test dùng để kiểm định sự khác biệt giữa trung bình hai đám đông (ví dụ như kiểm định sự khác biệt yếu tố giới tính giữa khách du lịch là nam và nữ trong việc cảm nhận về hình ảnh điểm đến). Kiểm định T-test thường được xem xét ở mức ý nghĩa 5%. Kiểm định T- test có hai trường hợp:

  • Nếu đám đông có phân phối chuẩn (mức ý nghĩa của Levene’s Test > 0,05) thì ta xem xét giá trị Sig. T-test của Equal variances assumed. Nếu giá trị Sig. > 0,05 thì không có sự khác biệt về giá trị giữa hai nhóm này và ngược lại.
  • Nếu đám đông có không có phân phối chuẩn (mức ý nghĩa của Levene’s Test < 0,05) thì ta xem xét giá trị Sig. T-test của Equal variances not assumed. Nếu giá trị Sig. < 0,05 thì có thể kết luận rằng có sự khác biệt về giá trị giữa hai nhóm này và ngược lại.

3.5.4.2 Phân tích phương sai (ANOVA)

“Phân tích phương sai được dùng để kiểm định giả thiết các tổng thể nhóm có giá trị trung bình bằng nhau, dựa trên mức độ biến thiên trong nội bộ các nhóm và giữa các trung bình nhóm. Từ đó, đưa ra kết luận về mức độ khác nhau giữa các trung bình nhóm. Phương pháp này giúp ta so sánh giá trị trung bình của 3 nhóm trở lên. (Hoàng Trọng và Chu Nguyễn Mộng Ngọc, 2008).

Để kiểm định sự khác biệt giữa trung bình các đám đông (khi các đám đông không có phân phối chuẩn), ta sử dụng phân tích phương sai một yếu tố (One-way ANOVA). Phân tích phương sai một yếu tố thường được xem xét ở mức ý nghĩa là 5%. Cách thức thực hiện cụ thể như sau:

  • Để tiến hành phân tích phương sai một yếu tố thì biến được đưa vào phân tích cần thỏa giả định phương sai đồng nhất. Để kiểm tra, ta xem xét giá trị Sig. trong bảng “Test of Homogeneity of Variances”. Giả định không bị vi phạm khi Sig.>0,05 và có thể tiến hành phân tích tiếp theo.
  • Kết quả chính của phân tích nằm ở bảng “ANOVA”. Giá trị Sig. <0,05 chứng tỏ có sự khác biệt giữa các nhóm, cần tiến hành phân tích sâu thêm và ngược lại nếu Giá trị Sig. > 0,05 ta có thể kết luận không có sự khác biệt mang ý nghĩa thống kê giữa các nhóm của biến định tính.

TÓM TẮT CHƯƠNG 3

Chương này đã trình bày phương pháp nghiên cứu được sử dụng để xây dựng và đánh giá thang đo lường các khái niệm nghiên cứu, kiểm định mô hình lý thuyết. Trong chương này, tác giả cũng đã đề xuất được quy trình nghiên cứu cho đề tài.

Phương pháp nghiên cứu định tính bằng kỹ thuật thảo luận nhóm, tác giả đã điều chỉnh thang đo và có được thang đo ban đầu với 32 biến quan sát và 7 khái niệm nghiên cứu cần đo lường. Trong nội dung thang đo định lượng, tác giả đã trình bày về cách thức chọn mẫu, bao gồm các bước như kích thước mẫu, phương pháp chọn mẫu và quy trình khảo sát. Phương pháp thu thập thông tin chủ yếu từ hai nguồn số liệu thứ cấp và sơ cấp. Thang đo bao gồm 6 yếu tố độc lập: 1) Điều kiện làm việc, (2) Thu nhập và phúc lợi, (3) Bản chất và đặc điểm công việc, (4) Các mối quan hệ công việc, (5) Cơ hội thăng tiến và phát triển, (6) Tinh thần lạc quan và yếu tố phụ thuộc: Động lực làm việc.

Chương này đã tóm tắt sơ lược về cách thức phân tích dữ liệu nghiên cứu định lượng làm tiền đề để tiếp tục thực hiện chương 4: đánh giá độ tin cậy thang đo Cronbach’s Alpha, KMO và Bartlett’s Test, EFA, kiểm định mô hình lý thuyết bằng phương pháp hồi quy, kiểm định sự khác biệt về giá trị trung bình giữa các nhóm của các biến định tính.

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x
()
x
Contact Me on Zalo
0877682993