Luận văn: Tính hiệu quả hệ thống kiểm soát nội bộ tại Ngân hàng

Đánh giá post

Tính hiệu quả của hệ thống kiểm soát nội bộ tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Kiên Long

TÓM TẮT LUẬN VĂN

  1. Tiêu đề

Tính hiệu quả của hệ thống kiểm soát nội bộ tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Kiên Long.

  1. Tóm tắt

Luận văn với đề tài tính hiệu quả của hệ thống kiểm soát nội bộ tại Ngân hàng TMCP Kiên Long có mục tiêu chính là nghiên cứu về hiệu quả của hệ thống kiểm soát nội bộ tại Ngân hàng TMCP Kiên Long. Với mục tiêu cụ thể là nghiên cứu đánh giá thực trạng về hiệu quả của hệ thống kiểm soát nội bộ tại KienlongBank đối với hoạt động quản lý rủi ro như hệ thống văn bản quản trị, cơ chế vận hành, yếu tố con người; Nhận diện các tồn tại hạn chế và nguyên nhân của hệ thống kiểm soát nội bộ tại KienlongBank; Đề xuất các giải pháp cụ thể và các kiến nghị để hoàn thiện và nâng cao hiệu quả trong quản trị rủi ro của hệ thống kiểm soát nội bộ tại KienlongBank.

Để thực hiện luận văn tác giả sử dụng chủ yếu phương pháp nghiên cứu định tính bên cạnh đó tác giả còn sử dụng những phương pháp như phương pháp hệ thống, theo đó tác giả hệ thống hóa các cơ sở lý luận của báo cáo COSO (1992, 2004, 2013) và Basel 2 làm cơ sở lý luận, phương pháp thông kê mô tả, qua đó thống kê các thông tin thu thập được từ việc phỏng vấn trực tiếp, khảo sát ý kiến các đối tượng liên quan, để mô tả cơ cấu tổ chức, quy chế, quy định, quy trình và cách thức thực hiện của hệ thống kiểm soát nội bộ tại KienlongBank. Số liệu sơ cấp được thu thập bằng phương pháp phỏng vấn trực tiếp các đối tượng có liên quan (các chuyên gia). Số liệu thứ cấp được thu thập từ các báo cáo về KSNB, các văn bản liên quan của KienlongBank.

Luận văn đã đạt được kết quả nghiên cứu chỉ ra những tồn tại hạn chế của hệ thống kiểm soát nội bộ tại KienlongBank. Trên cơ sở đó, luận văn đã đề xuất các kiến nghị để hoàn thiện hệ thống kiểm soát nội bộ tại KienlongBank.

  1. Từ khóa: Hệ thống kiểm soát nội bộ, Quản trị rủi ro.

ABSTRACT

  1. Title

The effectiveness of the internal control system at Kien Long Commercial Joint Stock Bank.

  1. Abstract

The thesis with the topic the effectiveness of the internal control system at Kien Long Commercial Joint Stock Bank has the main objective to study the effectiveness of the internal control system at Kien Long Commercial Joint Stock Bank. With the specific objective of studying and assessing the actual situation of the effectiveness of the internal control system at KienlongBank for risk management activities such as the governance document system, operating mechanism, and human factors; Identifying limitations and causes of the internal control system at KienlongBank; Proposing specific solutions and recommendations to improve the effectiveness of risk management of the internal control system at KienlongBank.

To conduct the thesis, the author mainly uses qualitative research method. Besides, the author also uses methods such as the systematic method, whereby the author systematizes the theoretical bases of the COSO reports (COSO 1992, 2004, 2013) and Basel 2 as the theoretical basis, descriptive statistics method, through which to make statistics of information collected from direct interviews, surveys of opinions of stakeholders, to describe the organizational structure, regulations, regulations, procedures and implementation of the internal control system at KienlongBank. Primary data was collected by direct interview with relevant subjects (experts). Secondary data is collected from reports on internal control and related documents of KienlongBank.

The thesis has achieved research results that show the limitations of the internal control system at KienlongBank. On that basis, the thesis has proposed recommendations to improve the internal control system at KienlongBank.

  1. Keywords: Internal control system, Risk management.

PHẦN MỞ ĐẦU

1. Đặt vấn đề

Hoạt động ngân hàng thương mại là một trong những lĩnh vực tài chính tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Do đó, để quản trị ngân hàng thì yếu tố quản lý rủi ro phải được đặt lên hàng đầu. Có nhiều phương pháp luận, mô hình quản trị rủi ro, tuy nhiên hệ thống kiểm soát nội bộ vẫn là một cấu phần quan trọng trong quản trị rủi ro.

Thực tế, ngân hàng là một trong những lĩnh vực có quy định rất nghiêm ngặt, tổ chức bài bản, tuy nhiên các ngân hàng luôn là đối tượng của tội phạm bao gồm cả gian lận bên trong và bên ngoài. Nguyên nhân do ngân hàng là lựa chọn đầu tiên và tốt nhất vì nắm giữ số lượng lớn tiền tệ. Bên cạnh đó, hoạt động của ngân hàng bao gồm rất nhiều nghiệp vụ khác nhau, do đó sẽ đối mặt với các loại rủi ro khác nhau.

Trên thế giới, các ngân hàng tiên tiến đã và đang áp dụng các thông lệ quản trị tốt nhất trong đó có Basel. Tại Việt Nam, để kịp thời nâng cao năng lực quản trị rủi ro cho các ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành Thông tư 44/2011/TT-NHNN ngày 29/12/2011 quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ và kiểm toán nội bộ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và Thông tư 13/2018/TT-NHNN ngày 18/5/2018 quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

2. Tính cấp thiết của đề tài

Hệ thống ngân hàng từ khi ra đời đến nay luôn được coi là huyết mạch trong nền kinh tế của các quốc gia. Do đó, khi có biến cố hoặc các rủi ro xảy ra đối với các ngân hàng, sự tác động của nó tới nền kinh tế là rất lớn, thậm chí có thể gây ra nguy cơ về an ninh tài chính của quốc gia, tác động tiêu cực tới toàn bộ nền kinh tế, chính trị, xã hội.

Trên thực tế, một thị trường được vận hành chặt chẽ thông qua các quy định như nước Mỹ cũng đã xảy ra những khủng hoảng từ sự đổ vỡ của một số ngân hàng thương mại trong giai đoạn 2008 từ sự kiện cho vay dưới chuẩn.

Tại Việt Nam cũng đã có hàng loạt các ngân hàng do sự yếu kém trong quản trị điều hành đã dẫn tới hậu quả bị sáp nhập hoặc thậm chí bị mua lại với giá “0” đồng như Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Dương, Ngân hàng Thương mại cổ phần Xây dựng, Ngân hàng Thương mại cổ phần Dầu khí Toàn cầu.

Theo đó, việc đảm bảo an toàn trong hoạt động của các ngân hàng là hết sức quan trọng, tránh những tác động tiêu cực xảy ra. Để đạt được mục tiêu đó, một trong những mô hình quản trị tiên tiến đó là xây dựng và vận hành một hệ thống kiểm soát nội bộ hiệu quả. Hệ thống kiểm soát nội bộ này phải được thiết kế tới từng nghiệp vụ hàng ngày, từng bộ phận, cá nhân. Đây chính là công cụ hữu hiệu nhằm giúp nhà quản trị giám sát, nhận diện và xử lý kịp thời các rủi ro phát sinh.

Theo xu hướng để tiệm cận với mô hình quản trị tiến tiến và tuân thủ quy định của cơ quan quản lý, Ngân hàng TMCP Kiên Long cũng đã xây dựng một hệ thống kiểm soát nội bộ theo các hướng dẫn, quy định của Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, quan sát quá trình vận hành của hệ thống này trong thời gian vừa qua cho thấy vẫn còn những vấn đề cần phải giải quyết để hệ thống kiểm soát nội bộ tại Ngân hàng TMCP Kiên Long được hoàn thiện và hiệu quả hơn, góp phần quan trọng trong quản trị rủi ro của mình.

Từ các luận điểm nêu trên, tác giả đã lựa chọn đề tài “Tính hiệu quả của hệ thống kiểm soát nội bộ tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Kiên Long” để làm luận văn thạc sĩ. Với mục đích thông qua việc thực hiện đề tài, tác giả phân tích được thực trạng của hệ thống kiểm soát nội bộ tại Ngân hàng TMCP Kiên Long. Từ đó, có thể đưa ra được các giải pháp, kiến nghị phù hợp đối với hệ thống kiểm soát nội bộ của Ngân hàng TMCP Kiên Long, đóng góp cho tổ chức nhằm đạt được mục tiêu hiệu quả, đảm bảo tính tin cậy của báo cáo tài chính và tuân thủ pháp luật, quy định.

3. Mục tiêu của đề tài

3.1 Mục tiêu tổng quát

Mục tiêu chính của luận văn là nghiên cứu về hiệu quả của hệ thống kiểm soát nội bộ tại Ngân hàng TMCP Kiên Long. Từ đó đề xuất các giải pháp nhằm hoàn thiện hệ thống kiểm soát nội bộ phù hợp với xu thế phát triển của ngành và mô hình quản trị rủi ro tiên tiến trên thế giới.

3.2 Mục tiêu cụ thể

Để đạt được mục tiêu tổng quát nêu trên, luân văn nghiên cứu các mục tiêu cụ thể sau đây:

  • Nghiên cứu đánh giá thực trạng về hiệu quả của hệ thống kiểm soát nội bộ tại KienlongBank đối với hoạt động quản lý rủi ro như hệ thống văn bản quản trị, cơ chế vận hành, yếu tố con người; Nhận diện các tồn tại hạn chế và nguyên nhân của hệ thống kiểm soát nội bộ tại KienlongBank;
  • Đề xuất các giải pháp cụ thể và các kiến nghị để hoàn thiện và nâng cao hiệu quả trong quản trị rủi ro của hệ thống kiểm soát nội bộ tại KienlongBank.

4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu là tính hiệu quả của hệ thống kiểm soát nội bộ hiện nay trong phạm vi giới hạn tại Ngân hàng TMCP Kiên Long cho năm tài chính kết thúc ngày 31 tháng 12 năm 2021.

Việc đề nghị các giải pháp và kiến nghị chỉ dựa trên cơ sở thực tiễn hoạt động của hệ thống kiểm soát nội bộ hiện nay trong phạm vi giới hạn của Ngân hàng TMCP Kiên Long.

5. Tổng quan về vấn đề nghiên cứu

Đối với hệ thống KSNB trong quản trị nói chung và quản trị rủi ro nói riêng, luôn được coi là đề tài thu hút sự quan tâm, chú ý kể cả trong thực tiễn cũng như trong lý luận. Theo đó, đã có nhiều công trình về KSNB gắn với các tổ chức và các lĩnh vực theo các chuyên môn khác nhau đã được ứng dụng. Có thể dẫn chiếu một số đề tài tiêu biểu như:

  • Phùng Thị Hồng Nhung (2010) với nghiên cứu “Hoàn thiện hệ thống kiểm soát nội bộ gắn với việc tăng cường kiểm soát rủi ro tín dụng đối với việc cho vay các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Quang Trung”.
  • Nguyễn Thị Thu Hiền (2013) với đề tài “Hoàn thiện hệ thống kiểm soát nội bộ tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam- Chi nhánh Hà Tĩnh”.
  • Đỗ Thị Bích Phượng (2014) với đề tài “Hoàn thiện hệ thống kiểm tra, kiểm soát nội bộ tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam”.
  • Trần Thị Huyền Trang (2017) với đề tài “Hoàn thiện hệ thống kiểm soát nội bộ tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam – Chi nhánh Hoàng Mai”.
  • Nguyễn Minh Huyền (2018) với đề tài “Hệ thống kiểm soát nội bộ tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam”.
  • Vũ Thị Hương Lan (2019) với đề tài “Hoàn thiện hệ thống kiểm soát nội bộ tại Ngân hàng TMCP Phát triển Việt Nam”.

Các đề tài nghiên cứu trên và nhiều đề tài nghiên cứu khác đã góp phần đáng kể trong việc giải quyết vấn đề thực tiễn về kiểm tra, giám sát, quản lý trong quá trình sử dụng vốn tại các ngân hàng. Các đề tài nghiên cứu có tính ứng dụng khác nhau phần nào đó đã đưa ra được các giải pháp nhằm khắc phục và hoàn thiện những hạn chế của KSNB tại các ngân hàng. Tuy nhiên, theo hiểu biết của tác giả thì chưa xuất hiện đề tài nghiên cứu nào về tính hiệu quả của hệ thống KSNB tại KienlongBank. Do đó, việc nghiên cứu về hệ thống KSNB tại KienlongBank được cho là cần thiết về lý luận và thực tiễn.

6. Phương pháp nghiên cứu

Để thực hiện luận văn tác giả sử dụng chủ yếu phương pháp nghiên cứu định tính bên cạnh đó tác giả còn sử dụng những phương pháp cụ thể như:

Phương pháp hệ thống: Tác giả hệ thống hóa các cơ sở lý luận của báo cáo COSO (1992, 2004, 2013) và Basel 2 làm cơ sở lý luận chủ yếu trong chương I.

Phương pháp thống kê mô tả: thống kê các thông tin thu thập được từ việc phỏng vấn trưc tiếp, khảo sát ý kiến các đối tượng liên quan, để mô tả cơ cấu tổ chức, quy chế, quy định, quy trình và cách thức thực hiện của hệ thống kiểm soát nội bộ tại ngân hàng TMCP Kiên Long. Phương pháp này chủ yếu sử dụng trong chương II.

Phương pháp so sánh: thông qua kết quả đạt được của phương pháp thống kê mô tả, tác giả đã so sánh giữa thực tế và lý luận nhằm phân tích, đánh giá thực trạng hệ thống kiểm soát nội bộ tại Ngân hàng TMCP Kiên Long từ đó đề xuất các giải pháphoàn thiện trong chương III.

Để thực hiện các phương pháp trên thì phương pháp thu thập số liệu của tác giả như sau:

  • Số liệu sơ cấp được thu thập bằng phương pháp phỏng vấn trực tiếp các đối tượng có liên quan (các chuyên gia).
  • Số liệu thứ cấp được thu thập từ các báo cáo về KSNB, các văn bản liên quan của Ngân hàng TMCP Kiên Long.

7. Đóng góp của đề tài

Luận văn đã có những đóng góp thiết thực vào quá trình phân tích thực trạng về tính hiệu quả của hệ thống kiểm soát nội bộ tại Ngân hàng TMCP Kiên Long. Từ các tài liệu, dữ liệu sử dụng để phân tích, luận văn đã đánh giá các mặt đạt và chưa đạt đối với tính hiệu quả hệ thống kiểm soát nội bộ tại Ngân hàng TMCP Kiên Long, làm cơ sở đề xuất các giải pháp, kiến nghị phù hợp.

  • Về mặt lý luận: Luận văn đã hệ thống cơ sở lý luận về hệ thống kiểm soát nội bộ trong hệ thống ngân hàng.
  • Về mặt thực tiễn: Luận văn đã phân tích các hạn chế, từ đó đề xuất các giải pháp cụ thể nhằm hoàn thiện và nâng cao tính hiệu quả hệ thống kiểm soát nội bộ tại Ngân hàng TMCP Kiên Long.

8. Kết cấu của luận văn

Luận văn được trình bày với cấu trúc bao gồm bốn (03) chương như sau:

  • Chương I: Cơ sở lý luận về hệ thống kiểm soát nội bộ trong ngân hàng thương mại.
  • Chương II: Thực trạng hiệu quả hệ thống kiểm soát nội bộ tại Ngân hàng TMCP Kiên Long.
  • Chương III: Giải pháp, kiến nghị nhằm hoàn thiện và nâng cao tính hiệu quả của hệ thống kiểm soát nội bộ tại Ngân hàng TMCP Kiên Long.

CHƯƠNG 1. CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ HỆ THỐNG KIỂM SOÁT NỘI BỘ TRONG NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI

1.1. Lý luận cơ bản về hệ thống kiểm soát nội bộ

1.1.1. Khái niệm hệ thống kiểm soát nội bộ

Khái niệm KSNB đã xuất hiện và tồn tại trong một giai đoạn dài của lịch sử từ đơn giản đến phức tạp. Ngày nay, một trong những khái niệm KSNB được chấp chung trên phạm vi toàn cầu được đưa ra bởi COSO (một Ủy ban thuộc Hội đồng quốc gia Hoa kỳ về chống gian lận trong BCTC – National Commssion on Financial Reporting, hay còn gọi là Treadway Commission).

Theo COSO năm 2013, trong báo cáo đã phát hành về Khuôn khổ hợp nhất cập đã nhật với khái niệm KSNB. Căn cứ vào đó khái niệm được đưa ra như sau: KSNB là một quá trình do người quản lý, HĐQT và các nhân viên khác của một tổ chức, nó được thiết lập để tạo ra sự đảm bảo hợp lý nhằm thực hiện các mục tiêu liên quan đến hoạt động, báo cáo và tuân thủ. Theo đó, 20 mục tiêu tuân thủ cơ bản vẫn giữ nguyên như trước và mở rộng hơn mục tiêu báo cáo, không chỉ đảm bảo độ tin cậy của BCTC mà còn liên quan đến độ tin cậy của các báo cáo phi tài chính và báo cáo nội bộ khác.

Thông tư số 13/20118/TT-NHNN định nghĩa: Hệ thống KSNB là tập hợp các cơ chế, chính sách, quy trình, quy định nội bộ, cơ cấu tổ chức của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được xây dựng phù hợp với quy định tại Luật các tổ chức tín dụng, Thông tư này và các quy định của pháp luật có liên quan và được tổ chức thực hiện nhằm kiểm soát, phòng ngừa, phát hiện, xử lý kịp thời rủi ro và đạt được yêu cầu đề ra. Hệ thống KSNB thực hiện giám sát của quản lý cấp cao, kiểm soát nội bộ, quản lý rủi ro, đánh giá nội bộ về mức đủ vốn và kiểm toán nội bộ.

1.1.2. Mục tiêu của hệ thống kiểm soát nội bộ

Hệ thống KSNB lập ra gồm 4 mục tiêu:

  • Bảo đảm cho ngân hàng hoạt động tuân thủ pháp luật và các quy định, quy trình nội bộ về quản lý và hoạt động, và các chuẩn mực đạo đức do ngân hàng đặt ra;
  • Đảm bảo mức độ tin cậy và tính trung thực của các thông tin tài chính và phi tài chính;
  • Bảo vệ, quản lý và sử dụng tài sản và các nguồn lực một cách kinh tế và hiệu quả;
  • Hỗ trợ thực hiện các mục tiêu do Ban Lãnh đạo ngân hàng đề ra. Hệ thống KSNB là một quá trình kiểm soát giúp cho đơn vị đạt được các mục tiêu của mình. Hệ thống KSNB được thiết kế và vận hành bởi con người, nó không chỉ là đơn thuần về chính sách, thủ tục, biểu mẫu… mà phải bao gồm cả nhân lực của tổ chức đó. Con người sẽ lập ra mục tiêu, thiết lập cơ chế vận hành nó. Một hệ thống KSNB tốt không chỉ được thiết kế tốt mà còn được vận hành tốt.

Hệ thống KSNB cung cấp một sự đảm bảo hợp lý, chứ không phải đảm bảo tuyệt đối những mục tiêu sẽ đạt được. Vì khi vận hành hệ thống KSNB, những yếu kém có thể xảy ra do các sai lầm của con người. Một nguyên tắc cơ bản cho quyết định quản lý là chi phí cho quá trình kiểm soát không thể vượt quá lợi ích được mong đợi từ quá trình kiểm soát.

Đối với BCTC, KSNB phải đảm bảo về tính trung thực và đáng tin cậy, bởi vì chính người quản lý đơn vị có trách nhiệm lập BCTC phù hợp với chuẩn mực và chế độ kế toán hiện hành.

Đối với tính tuân thủ, KSNB trước hết phải đảm bảo hợp lý việc chấp hành luật pháp và các quy định. KSNB cần hướng mọi thành viên vào việc tuân thủ các chính sách, quy định nội bộ của đơn vị, qua đó đạt được những mục tiêu của đơn vị.

Đối với những mục tiêu hiện hữu và hợp lý giúp đơn vị bảo vệ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, bảo mật thông tin, nâng cao uy tín, mở rộng thị phần, thực hiện các chiến lược kinh doanh.

1.2. Kiểm soát nội bộ trong ngân hàng theo tiêu chuẩn Basel

1.2.1. Mục tiêu của kiểm soát nội bộ ngân hàng theo tiêu chuẩn Basel

Theo Ủy ban Basel (1998),  KSNB có 3 mục tiêu chính:

  • Mục tiêu hoạt động: nhằm đảm bảo các hoạt động trong ngân hàng an toàn và hiệu quả;
  • Mục tiêu thông tin: nhằm đảm bảo các thông tin quản trị và tài chính đầy đủ, kịp thời và đáng tin cậy;
  • Mục tiêu tuân thủ: nhằm đảm bảo các hoạt động của ngân hàng tuân thủ các quy định của pháp luật và đạo đức kinh doanh.

1.2.2. Các nguyên tắc và thủ tục kiểm soát

Ủy ban Basel chịu trách nhiệm xây dựng và phát triển các chuẩn mực về giám sát ngân hàng được quốc tế công nhận. Các tiêu chuẩn này trên thực tế đã trở thành những tiêu chuẩn tối thiểu, mang ý nghĩa ràng buộc trong hoạt động giám sát ngân hàng. Ủy ban Basel đã đề ra 13 nguyên tắc thiết kế và đánh giá hệ thống KSNB ngân hàng, chia thành 5 nhóm yếu tố có quan hệ chặt chẽ với nhau. Tùy thuộc vào quy mô, bản chất, mức độ phức tạp của hoạt động kinh doanh, vị trí địa lý, khuôn khổ pháp lý và quy định nội bộ của ngân hàng, các ngân hàng sẽ áp dụng một phần hay toàn bộ những nguyên tắc này.

Về cơ bản, các nguyên tắc này tương tự như các thành phần cấu thành hệ thống KSNB theo báo cáo của COSO. Cụ thể như sau:

  • Giám sát điều hành và văn hóa kiểm soát

Nguyên tắc 1: HĐQT có trách nhiệm phê duyệt và kiểm tra định kỳ toàn bộ chiến lược kinh doanh và những chính sách quan trọng của ngân hàng; hiểu rõ những rủi ro chính của ngân hàng, thiết lập những mức độ có thể chấp nhận đối với các rủi ro này và đảm bảo rằng Ban điều hành đã thực hiện các bước cần thiết để xác định, đo lường, giám sát và kiểm tra những rủi ro này; phê duyệt cơ cấu tổ chức; và đảm bảo rằng Ban điều hành luôn theo dõi tính hiệu quả của hệ thống KSNB. HĐQT chịu trách nhiệm sau cùng về thiết lập và duy trì một hệ thống KSNB đầy đủ và hiệu quả.

Nguyên tắc 2: Ban điều hành chịu trách nhiệm thi hành những chiến lược chính sách đã được HĐQT phê duyệt, nâng cao việc xác định, đo lường, giám sát và kiểm tra những rủi ro mắc phải của ngân hàng, duy trì một cơ cấu tổ chức trong đó có sự phân công rõ ràng về trách nhiệm, quyền hạn và các mối quan hệ giữa các bộ phận, đảm bảo rằng đã thực hiện nhiệm vụ được giao phó một cách có hiệu quả, thiết lập những chính sách KSNB thích hợp, kiểm tra sự đầy đủ và hiệu quả của hệ thống KSNB.

Nguyên tắc 3: HĐQT và Ban điều hành có trách nhiệm nâng cao đạo đức và tính chính trực, thiết lập nền tảng văn hóa trong đó nhấn mạnh và làm cho tất cả các nhân viên thấy rõ tầm quan trọng của KSNB trong ngân hàng. Tất cả nhân viên ngân hàng cần nhận thức rõ vai trò của mình trong quá trình KSNB và tham gia đầy đủ vào quá trình này.

  • Nhận biết và đánh giá rủi ro

Nguyên tắc 4: Một hệ thống KSNB hiệu quả cần phải nhận biết và đánh giá liên tục các rủi ro trọng yếu có thể ảnh hưởng bất lợi đến việc thực hiện các mục tiêu của ngân hàng. Sự đánh giá này cần bao quát mọi rủi ro của ngân hàng cũng như hệ thống ngân hàng (rủi ro tín dụng, rủi ro chính sách quốc gia, rủi ro thị trường, rủi ro lãi suất, rủi ro thanh khoản, rủi ro hoạt động, rủi ro pháp lý và rủi ro uy tín). Hệ thống KSNB cần được xem xét, điều chỉnh để thích ứng với những rủi ro mới phát sinh hoặc rủi ro trước đây chưa được kiểm soát.

  • Hoạt động kiểm soát và sự phân công nhiệm vụ

Nguyên tắc 5: Hoạt động kiểm soát phải là một công việc quan trọng trong các hoạt động hàng ngày của ngân hàng. Một hệ thống KSNB hiệu quả đòi hỏi phải thiết lập một cơ cấu kiểm soát thích hợp, với các hoạt động kiểm soát được quy định ở mọi cấp; bao gồm các nội dung: xem xét của Ban điều hành; kiểm soát hoạt động phù hợp đối với các phòng ban; kiểm tra tuân thủ mức độ giới hạn rủi ro và tiếp tục theo dõi với các trường hợp không tuân thủ; hệ thống phê duyệt và ủy quyền; hệ thống kiểm tra và đối chiếu.

Nguyên tắc 6: Một hệ thống KSNB hiệu quả yêu cầu cần phải có sự phân công nhiệm vụ phù hợp và bảo đảm nhân sự không được giao những trách nhiệm mâu thuẫn nhau. Các bộ phận có tiềm năng xung đột lợi ích cần được xác định, tối thiểu hóa và được theo dõi một cách độc lập và cẩn thận.

  • Thông tin và truyền thông

Nguyên tắc 7: Một hệ thống KSNB hiệu quả đòi hỏi có dữ liệu đầy đủ và toàn diện về sự tuân thủ, về tình hình hoạt động và tình hình tài chính, cũng như là những thông tin thị trường bên ngoài về những sự kiện và điều kiện có thể ảnh hưởng đến quá trình ra quyết định. Thông tin phải đáng tin cậy, kịp thời, có thể tiếp cận và được cung cấp theo định dạng thống nhất.

Nguyên tắc 8: Một hệ thống KSNB hiệu quả đòi hỏi một hệ thống thông tin đáng tin cậy bao quát mọi hoạt động chủ yếu của ngân hàng. Những hệ thống này bao gồm cả hệ thống lưu trữ và sử dụng dữ liệu dưới dạng điện tử, phải an toàn, được theo dõi độc lập và được hỗ trợ bởi các hệ thống dự phòng thích hợp.

Nguyên tắc 9: Một hệ thống KSNB hiệu quả đòi hỏi kênh trao đổi thông tin hiệu quả để đảm bảo rằng tất cả nhân viên đã hiểu đầy đủ và tuân thủ triệt để các chính sách và các thủ tục có liên quan đến trách nhiệm và nhiệm vụ của họ và đảm bảo rằng những thông tin cần thiết khác cũng đã được phổ biến đến các nhân viên có liên quan.

  • Giám sát và sửa chữa những sai sót

Nguyên tắc 10: Tính hiệu quả của toàn bộ hệ thống KSNB của ngân hàng cần được theo dõi trên cơ sở liên tục. Việc theo dõi những rủi ro trọng yếu phải là một phần trong hoạt động hàng ngày của ngân hàng cũng như đánh giá định kỳ của bộ phận kinh doanh và bộ phận kiểm toán nội bộ.

Nguyên tắc 11: Hệ thống KSNB cần được kiểm toán toàn diện và hiệu quả bởi các nhân viên hoạt động độc lập, được đào tạo thích hợp và có năng lực. Bộ phận kiểm toán nội bộ, như là một phần trong hoạt động theo dõi hệ thống KSNB phải được báo cáo trực tiếp cho HĐQT hoặc Ban Kiểm soát và Ban Điều hành.

Nguyên tắc 12: Sai sót của hệ thống KSNB được phát hiện bởi bộ phận kinh doanh, kiểm toán nội bộ hay các đơn vị kiểm soát khác, phải được báo cáo kịp thời cho cấp lãnh đạo thích hợp và phải được khắc phục sớm. Những sai sót quan trọng về KSNB phải được báo cáo cho Ban điều hành và HĐQT.

  • Đánh giá hệ thống KSNB thông qua cơ quan thanh tra ngân hàng

Nguyên tắc 13: Các cơ quan giám sát cần yêu cầu mọi ngân hàng, dù quy mô lớn hay nhỏ phải có hệ thống KSNB hiệu quả phù hợp với bản chất, mức độ phức tạp và tính chất cố hữu của rủi ro trong các hoạt động nội và ngoại bảng và đáp ứng được những thay đổi về môi trường và điều kiện kinh doanh của ngân hàng. Trong trường hợp khi cơ quan giám sát xác định hệ thống kiểm soát của một ngân hàng không đầy đủ hoặc không hiệu quả so với hồ sơ rủi ro cụ thể của ngân hàng đó thì họ phải đưa ra cách xử lý phù hợp.

1.3. Nội dung của kiểm soát nội bộ trong hệ thống ngân hàng

Trên cơ sở khung kiểm soát nội bộ COSO thì hệ thống KSNB gồm 5 thành phần: i) Môi trường kiểm soát; ii) Quy trình đánh giá rủi ro; iii) Hệ thống thông tin và truyền thông; iv) Hoạt động kiểm soát; v) Giám sát kiểm soát.

Các hoạt động diễn ra phải luôn được chặt chẽ nhằm đảm bảo độ tin cậy về kết quả kiểm soát cho những bên liên quan và quan tâm.

1.3.1. Môi trường kiểm soát

Môi trường kiểm soát là khung nền cho toàn bộ những thành phần của hệ thống KSNB, cụ thể bao gồm cơ cấu tổ chức, cơ chế phân cấp, phân quyền, các chính sách, thông lệ về nguồn nhân lực, chuẩn mực đạo đức, năng lực, cách thức quản trị, điều hành của các cấp lãnh đạo.

Tính chính trực và giá trị đạo đức: Tính hữu hiệu của hệ thống KSNB đầu tiên phụ thuộc vào tính chính trực và sự tôn trọng các giá trị đạo đức của những người liên quan đến các quá trình kiểm soát. Theo đó, các quản lý cấp cao phải xây dựng những chuẩn mực về đạo đức trong tổ chức và ứng xử đúng đắn để có thể ngăn ngừa không cho các thành viên có các hành vi vi phạm đạo đức hoặc vi phạm pháp luật. Để đạt được điều đó, những nhà quản lý cần phải làm gương sáng cho nhân viên về việc tuân thủ các chuẩn mực, quy định và cần thông báo những quy tắc đến mọi nhân viên bằng các hình thức phù hợp. Bên cạnh đó, để nâng cao tính chính trực và sự tôn trọng các chuẩn mực đạo đức là phải loại bỏ hoặc giảm tối đa những áp lực hay các điều kiện có thể dẫn đến nhân sự phát sinh những hành vi thiếu trung trực.

Đảm bảo về năng lực: theo đó nhân viên có được những kỹ năng và kiến thức cần thiết để thực hiện công việc của mình, nếu không nhân sự đó sẽ thực hiện nhiệm vụ được giao không như mong đợi. Như vậy, nhà quản lý chỉ tuyển dụng các nhân sự có trình độ, kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm phù hợp với công việc được giao. Bên cạnh đó, phải giám sát và phải huấn luyện, đào tạo nhân sự đầy đủ và thường xuyên.

Hội đồng quản trị và ủy ban kiểm toán: Một trong các lựa chọn của các ngân hàng trong các quốc gia là thiết lập ủy ban kiểm toán để hỗ trợ HĐQT thực hiện những nhiệm vụ của họ. Đây là một ủy ban bao gồm một số thành viên trong và ngoài HĐQT nhưng không tham gia vào việc điều hành tại ngân hàng. Ủy ban kiểm toán có thể có những đóng góp giá trị cho việc thực hiện các mục tiêu của ngân hàng bằng cách thông qua việc giám sát sự tuân thủ pháp luật, đảm bảo tính độc lập của kiểm toán nội bộ, giám sát việc lập và xác minhn BCTC, …Do đó, sự hữu hiệu của Ủy ban kiểm toán và HĐQT có ảnh hưởng đến môi trường kiểm soát. Các nhân tố được xem xét để đánh giá sự hữu hiệu của HĐQT hoặc ủy ban kiểm toán bao gồm mức độ độc lập, kinh nghiệm và uy tín của các thành viên trong HĐQT hoặc Ủy ban kiểm toán, cũng như mối quan hệ của họ với kiểm toán độc lập và bộ phận kiểm toán nội bộ.

Triết lý và phong cách điều hành của nhà quản lý: thể hiện qua quan điểm và nhận thức của nhà quản lý, phong cách điều hành lại thể hiện thông qua cá tính, tư cách và thái độ của họ khi điều hành ngân hàng. Sự khác biệt về triết lý quản trị và phong cách điều hành có thể ảnh hưởng đến môi trường kiểm soát cũng như tác động đến thực hiện các mục tiêu của ngân hàng. Triết lý quản trị và phong cách điều hành cũng được phản ánh trong cách thức mà nhà quản lý sử dụng các kênh thông tin và cách quan hệ với nhân viên cấp dưới.

Cơ cấu tổ chức: thực chất là sự phân chia trách nhiệm và quyền hạn giữa các bộ phận trong ngân hàng, nó góp phần quan trọng trong việc đạt được các mục tiêu.

  • Cơ cấu phù hợp sẽ là nền tảng cho việc lập kế hoạch, điều hành, kiểm soát và giám sát hoạt động.

Cách thức phân định quyền hạn và trách nhiệm: Phân định quyền hạn và trách nhiệm được coi là phần mở rộng thêm của cơ cấu tổ chức. Cụ thể hơn về quyền hạn và trách nhiệm của từng thành viên trong hoạt động của ngân hàng, giúp cho mỗi nhân viên phải hiểu rằng họ có trách nhiệm, nhiệm vụ cụ thể gì và từng hành động của họ sẽ tác động như thế nào đến nhân sự khác trong việc hoàn thành các mục tiêu. Theo đó, khi mô tả công việc, ngân hàng cần phải thể chế hóa thành văn bản về những nhiệm vụ và quyền hạn cụ thể từng nhân viên và mối quan hệ giữa họ với nhau.

Chính sách nhân sự: các chính sách và thủ tục của nhà quản lý về việc tuyển dụng, đào tạo, đánh giá, phát triển, khen thưởng, sa thải và kỷ luật nhân viên. Chính sách nhân sự có ảnh hưởng đến sự hữu hiệu của môi trường kiểm soát thông qua tác động đến các nhân tố trong môi trường kiểm soát như đảm bảo về năng lực, tính chính trực và chuẩn mực đạo đức.

1.3.2. Nhận diện và đánh giá rủi ro

Mọi hoạt động của ngân hàng đều có tiềm ẩn hoặc phát sinh những rủi ro và rất khó có thể kiểm soát toàn bộ. Do vậy, các nhà quản lý phải đánh giá và phân tích những nhân tố ảnh hưởng tạo nên rủi ro có iên quan làm cho những mục tiêu có thể không đạt được và thực hiện kiểm soát để giảm thiểu những tổn thất do các rủi ro này gây ra.

Đối với ngân hàng, rủi ro là khả năng xảy ra sự kiện tổn thất làm giảm vốn tự có, thu nhập dẫn đến làm giảm tỷ lệ an toàn vốn hoặc hạn chế khả năng đạt được mục tiêu kinh doanh của ngân hàng. Rủi ro rất nhiều, có thể phân loại theo nhiều tiêu chí khác nhau, đồng thời các loại rủi ro có mối quan hệ khăng khít với nhau, rủi ro này có thể là nguyên nhân dẫn đến rủi ro khác.

Nhận diện và đánh giá rủi ro là khâu quan trọng tiên quyết để có cơ sở xác định và thiết lập các thủ tục kiểm soát phù hợp nhằm quản lý các rủi ro và đạt được các mục tiêu đề ra.

  • Xác định mục tiêu của ngân hàng: Đây là điều kiện đầu tiên để nhận diện, đánh giá rủi ro. Rủi ro ở đây được xác định là rủi ro liên quan khiến cho mục tiêu đó có khả năng không đạt được.
  • Nhận dạng rủi ro: rủi ro có thể ảnh hưởng ở mức độ toàn ngân hàng hay chỉ ảnh hưởng đến từng hoạt động cụ thể, sau đó liên quan đến mức độ rộng hơn. Nhà quản lý có thể sử dụng nhiều phương pháp khác nhau như: dự báo, phân tích, rà soát hoạt động.
  • Phân tích và đánh giá rủi ro: Một quy trình bao gồm ước tính kích thước của rủi ro có thể ảnh hưởng đến mục tiêu, đánh giá xem xét khả năng xảy ra rủi ro và những biện pháp có thể sử dụng ứng phó với rủi ro.

1.3.3. Hoạt động kiểm soát

Bao gồm những chính sách và các thủ tục để đảm bảo cho các chỉ đạo của nhà quản lý được thực thi. Trên cơ sở đó, giúp kiểm soát các rủi ro mà ngân hàng đang hay phải đối mặt. Hoạt động kiểm soát gồm: (i) thiết lập các chính sách và thủ tục kiểm soát; (ii) xác định các chính sách và thủ tục kiểm soát có được thực thi.

  • Phân chia trách nhiệm: Đảm bảo cho các nhân viên, bộ phận kiểm soát lẫn nhau.
  • Kiểm soát quá trình xử lý thông tin: Đảm bảo thông tin đáng tin cậy thì cần thực hiện nhiều hoạt động kiểm soát nhằm kiểm tra tính xác thực, đầy đủ, tính toàn vẹn và việc phê duyệt các nghiệp vụ. Điều quan trọng nhất, đó là kiểm soát chặt chẽ hệ thống chứng từ, sổ sách và phê duyệt các loại nghiệp vụ phải đảm bảo đúng.
  • Bảo vệ tài sản: Thực hiện so sánh, đối chiếu giữa số sách kế toán và tài sản trên thực tế bắt buộc phải được thực hiện định kỳ. Điều tra nguyên nhân, qua đó phát hiện những tồn tại yếu kém trong ngân hàng. Hoạt động này được thực hiện cho các loại sổ sách và tài sản, kể cả những phôi ấn chỉ đã được đánh số thứ tự trước nhưng chưa sử dụng, ngăn ngừa các nhân viên không có thẩm quyền tiếp cận phần mềm, tài sản của ngân hàng.
  • Phân tích rà soát: soát xét lại những việc đã được thực hiện bằng cách so sánh thực tế và kế hoạch, dự toán hoặc kỳ trước. Ngân hàng thường xuyên rà soát để có thể phát hiện những vấn đề bất thường, từ đó có thể thay đổi kịp thời chiến lược hoặc kế hoạch.

Các thủ tục kiểm soát được các nhà quản lý xây dựng dựa trên ba nguyên tắc cơ bản: (i) Nguyên tắc phân công phân nhiệm; (ii) Nguyên tắc bất kiêm nhiệm; (iii) Nguyên tắc ủy quyền và phê chuẩn.

  • Nguyên tắc phân công phân nhiệm: nhiệm vụ và công việc được phân tách cụ thể cho nhiều bộ phận và cho nhiều người trong bộ phận. Mục đích tạo sự chuyên môn hóa trong công việc, giảm thiểu sai sót và khi sai sót xảy ra sẽ dễ phát hiện.
  • Nguyên tắc bất kiêm nhiệm: quy định sự tách bạch thích hợp về trách nhiệm trong các nghiệp vụ có liên quan. Mục đích, nhằm ngăn ngừa các sai phạm và hành vi lạm dụng quyền hạn.
  • Nguyên tắc ủy quyền và phê chuẩn: Các nhà quản lý cấp trên ủy quyền cho các cấp dưới được giao cho quyết định và giải quyết một số công việc trong một phạm vi nhất định. Để đảm bảo tuân thủ tốt quá trình kiểm soát, mọi nghiệp vụ phải được phê chuẩn đúng đắn. Sự phê chuẩn được thực hiện qua hai loại: (i) Phê chuẩn chung được thực hiện thông qua việc xây dựng các chính sách chung về những mặt hoạt động cụ thể cho các nhân sự cấp dưới thực hiện; (ii) Phê chuẩn cụ thể được thực hiện theo từng nghiệp vụ chuyên môn riêng.

1.3.4. Thông tin và truyền thông

Hệ thống KSNB hiệu quả phải có một hệ thống thông tin đáng tin cậy cho tất cả các hoạt động quan trọng của ngân hàng và các thông tin cần thiết phải được truyền đạt tới các bên có liên quan cả trong lẫn ngoài ngân hàng. Hệ thống thông tin của một ngân hàng có thể được xử lý trên máy tính, thủ công hoặc kết hợp cả hai, với mục đích là bảo đảm các yêu cầu chất lượng của thông tin là thích hợp, cập nhật kịp thời, chính xác và truy cập thuận tiện.

Cùng với thông tin, đối với truyền thông, chia sẻ thông tin cũng là một hoạt động quan trọng của hệ thống KSNB. Theo đó, giúp cho việc phổ biến tới các nhân sự liên quan về trách nhiệm của họ đối với hệ thống KSNB; truyền thông từ cấp trên xuống cấp dưới và ngược lại; những phản hồi từ bên ngoài và ngược lại.

1.3.5. Hoạt động giám sát

Hoạt động giám sát là quá trình đánh giá chất lượng của hệ thống KSNB theo thời gian với mục tiêu chính là nhằm đảm bảo cho hệ thống KSNB luôn hoạt động hữu hiệu.  Kiểm toán nội bộ là một hoạt động thuộc cấu phần thứ 5, đây là hoạt động giám sát một cách độc lập hệ thống KSNB trong một tổ chức, được thiết kế ngoài quy trình hoạt động hàng ngày.

1.4. Các tiêu chí đánh giá tính hiệu của của hệ thống kiểm soát nội bộ

Để thực hiện đánh giá về tính hiệu của của hệ thống kiểm soát nội bộ, hiện nay có nhiều hướng tiếp cận. Tuy nhiên, một trong những cách tiếp cận phổ biến đó là đưa ra các tiêu chí để đánh giá.

1.4.1. Môi trường kiểm soát

Môi trường kiểm soát được hiểu trong đó toàn bộ hoạt động kiểm soát nội bộ được triển khai. Các tiêu chí đánh giá một môi trường kiểm soát tốt bao gồm:

  • Ngân hàng đã ban hành dưới dạng văn bản các quy tắc, chuẩn mực phòng ngừa Ban Lãnh đạo và các nhân viên xung đột quyền lợi với doanh nghiệm bao gồm ban hành các quy định xử lý thích hợp khi vi phạm các quy tắc, chuẩn mực này.
  • Ngân hàng đã phổ biến rộng rãi các quy tắc, chuẩn mực nêu trên, đã yêu cầu toàn bộ nhân viên ký bản cam kết tuân thủ các quy tắc, chuẩn mực được thiết lập.
  • Tư cách đạo đức, hành vi ứng xử và hiệu quả công việc của Lãnh đạo là tấm gương sáng để nhân viên noi theo.
  • Ngân hàng có sơ đồ tổ chức hợp lý đảm bảo công tác quản trị (lập kế hoạch, tổ chức, quản lý nhân sự, lãnh đạo và kiểm soát) được triển khai chính xác, kịp thời, hiệu quả.
  • Ngân hàng có các văn bản quy định chung cũng như hướng dẫn cụ thể trong hoạt động quản lý tổng thể và trong các hoạt động chuyển ngân.
  • Ngân hàng có hệ thống văn bản thống nhất quy định chi tiết việc tuyển dụng, đào tạo, đánh giá, phát triển, chế độ lương, phụ cấp để khuyến khích nhân viên làm việc liêm chính, hiệu quả.
  • Ngân hàng đã sử dụng bản mô tả công việc quy định rõ yêu cầu kiến thức và chất lượng nhân sự cho từng vị trí trong tổ chức.
  • Ngân hàng không đặt ra những chuẩn mực, tiêu chí thiếu thực tế hoặc những danh sách ưu tiên, ưu đãi, lương, thưởng bất hợp lý tạo cơ hội cho các hành vi vô kỷ luật, gian dối, bất lương.
  • Ngân hàng có bộ phận kiểm toán nội bộ hoạt động theo chuẩn mực. Bộ phận này phải có khả năng hoạt động hữu hiệu do được trực tiếp báo cáo độc lập, cởi mở với cơ quan kiểm toán cấp trên hoặc với các lãnh đạo cao cấp của tổ chức.
  • Ngân hàng đã áp dụng những quy tắc, công cụ kiểm toán phù hợp với những chuẩn mực thông dụng đã được chấp nhận cho loại hình hoạt động kinh doanh của mình đảm bảo kết quả kiểm toán không bị méo mó, sai lệch do sử dụng các chuẩn mực, công cụ kiểm toán không phù hợp.
  • Ngân hàng thường xuyên luân chuyển nhân sự trong các khu vực vị trí nhạy cảm. Quan tâm, nhắc nhở, bảo vệ quyền lợi của những người làm việc trong các khu vực vị trí độc hại, nặng nhọc theo đúng quy định.

1.4.2. Nhận diện và đánh giá rủi ro

Đánh giá rủi ro được coi là có chất lượng nếu đạt các tiêu chí sau đây:

  • Ban Lãnh đạo đã quan tâm và khuyến khích các nhân viên quan tâm phát hiện, đánh giá và phân tích định lượng các ảnh hưởng của các rủi ro hiện hữu và tiềm ẩn.
  • Ngân hàng đã đề ra các biện pháp, kế hoạch, quy trình hành động cụ thể nhằm giảm thiểu tác hại rủi ro đến một giới hạn chấp nhận nào đó hoặc doanh nghiệp đã có biện pháp để toàn thể nhân viên nhận thức rõ ràng về tác hại của rủi ro cũng như giới hạn rủi ro mà tổ chức có thể chấp nhận được.
  • Ngân hàng đã đề ra mục tiêu tổng thể cũng như chi tiết để mọi nhân viên có thể lấy đó làm cơ sở tham chiếu khi triển khai công việc.

1.4.3. Hoạt động kiểm soát

Hoạt động kiểm soát được coi là tốt nếu đáp ứng các tiêu chí sau:

  • Ngân hàng đã đề ra các định mức xác định về tài chính và các chỉ số căn bản đánh giá hiệu quả hoạt động như các chỉ số quản lý khi lập kế hoạch và kiểm soát để điều chỉnh hoạt động kinh doanh phù hợp với mục tiêu đề ra.
  • Ngân hàng đã tổng hợp và thông báo kết quả kinh doanh đều đặn và đối chiếu các kết quả đạt được với các định mức, chỉ số định trước để điều chỉnh, bổ sung kịp thời.
  • Quyền hạn, trách nhiệm và nghĩa vụ trong các mảng: cấp phép và phê duyệt các vấn đề tài chính, kế toán và thủ kho quỹ được phân định độc lập rõ ràng.
  • Ngân hàng đã ban hành văn bản quy định rõ ràng những ai có quyền và/ hoặc được ủy quyền phê duyệt toàn bộ hay một vài loại vấn đề tài chính nào đó.
  • Ngân hàng đã lưu giữ các chứng cứ dưới dạng văn bản tạo điều kiện phân định rõ ràng phần thực hiện công việc với phần giám sát tại bất kỳ thời điểm nào, kể cả việc xác định những cá nhân có trách nhiệm về các sai phạm xảy ra.
  • Ngân hàng đã giám sát, bảo vệ và bảo dưỡng tài sản, vật tư, trang thiết bị khỏi mất mát, hao hụt, hỏng hóc hoặc bị sử dụng không đúng mục đích.
  • Ngân hàng đã cấm hoặc có biện pháp ngăn ngừa các lãnh đạo cấp cao của mình sử dụng kinh phí và tài sản của ngân hàng vào các mục đích riêng.

1.4.4. Thông tin và truyền thông

Chất lượng hệ thống thông tin và truyền thông được coi là tốt nếu đáp ứng các tiêu chí sau đây:

  • Ngân hàng thường xuyên cập nhật các thông tin quan trọng cho Ban Lãnh đạo và những người có thẩm quyền.
  • Hệ thống truyền thông của ngân hàng đảm bảo cho nhân viên ở mọi cấp độ đều có thể hiểu và nắm rõ các nội quy, chuẩn mực của tổ chức, đảm bảo thông tin được cung cấp kịp thời, chính xác đến các cấp có thẩm quyền theo quy định.
  • Ngân hàng đã lắp đặt hệ thống bảo vệ số liệu phòng ngừa sự truy cập, tiếp cận của những người không có thẩm quyền.
  • Ngân hàng đã xây dựng các chương trình, kế hoạch phòng chống thiên tai, hiểm họa và/ hoặc kế hoạch ứng cứu sự cố mất thông tin số liệu.

1.4.5. Hoạt động giám sát

Đây là quá trình theo dõi và đánh giá chất lượng hệ thống kiểm soát nội bộ để đảm bảo hệ thống xây dựng ra được triển khai, điều chỉnh và được cải thiện liên tục. Các tiêu chí đánh giá hệ thống tốt bao gồm:

  • Ngân hàng có hệ thống báo cáo cho phép phát hiện các sai lệch so với chỉ tiêu, kế hoạch đã định. Khi phát hiện sai lệch, doanh nghiệp đã triển khai các biện pháp điều chỉnh thích hợp.
  • Kiểm toán nội bộ được thực hiện bởi người có trình độ chuyên môn thích hợp và có quyền báo cáo trực tiếp cho cấp phụ trách cao hơn và cho Ban Lãnh đạo.
  • Những khiếm khuyết của hệ thống kiểm soát nội bộ được phát hiện bởi kiểm toán nội bộ hoặc kiểm toán độc lập được báo cáo trực tiếp và kịp thời với cấp phụ trách cao hơn, kể cả Ban Lãnh đạo để điều chỉnh kịp thời.
  • Ngân hàng đã yêu cầu các cấp quản lý trung gian báo cáo ngay với lãnh đạo về mọi trường hợp gian lận, nghi ngờ gian lận, về các vi phạm nội quy, quy định của doanh nghiệp và pháp luật hiện hành có khả năng làm giảm uy tín của doanh nghiệp và gây thiệt hại kinh tế.

Nếu hệ thống kiểm soát nội bộ của ngân hàng đủ năm thành phần và nếu tất cả những nội dung nêu trên được đảm bảo thì hệ thống này chắc chắn mang lại những lợi ích quản trị và kinh tế lớn cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, để vận hành tốt và để hệ thống kiểm soát nội bộ được hiệu quả thì yếu tố quản trị nhân sự là rất quan trọng. Trong nội dung của các lý thuyết và trong danh mục các tiêu chí nêu trên cho thấy, các nội dung liên quan đến nhân sự chiếm tỷ trọng cao.

TÓM TẮT CHƯƠNG 1

Trong chương 1, nghiên cứu đã trích dẫn các lý thuyết chung và cơ bản nhất áp dụng trong hệ thống ngân hàng. Nội dung của chương này đã nêu đặc điểm, nguyên tắc về hệ thống kiểm soát nội bộ trong các ngân hàng thương mại. Theo đó, nội dung của chương này được coi là khung lý thuyết của luận văn. Trên cơ sở đó, làm tiền đề cho các nghiên cứu trong các chương tiếp theo và làm cơ sở để đánh giá về hệ thống kiểm soát nội bộ theo như đề tài nghiên cứu. Đồng thời, chương này cũng đưa ra các tiêu chí làm cơ sở để đánh giá về tính hiệu của của hệ thống kiểm soát nội bộ.

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x
()
x
Contact Me on Zalo
0877682993